Cắt những khâu nào để giảm thời gian nộp thuế?
(Tài chính) Các giải pháp mà Tổng cục Thuế đề xuất để giảm thời gian thực hiện các thủ tục kê khai thuế, nộp thuế là khả thi, có thể thực hiện được ngay.
Sẽ cắt giảm những ở những khâu nào?
Ông Nguyễn Quang Tiến chia sẻ, các giải pháp thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, thì việc sửa đổi Thông tư 156/2013/TT-BTC đã có thể cắt giảm được khoảng 201 giờ.
Cụ thể, về thuế Giá trị gia tăng (GTGT) có thể cắt giảm 156 giờ thông qua việc sửa và lược bỏ một số chỉ tiêu trên Bảng kê thuế GTGT đầu vào và Bảng kê thuế GTGT đầu ra. Đồng thời bỏ quy định phải tổng hợp và khai các hóa đơn GTGT đầu vào không đủ điều kiện khấu trừ, hóa đơn của hàng hóa dịch vụ (HHDV) không phải tính thuế GTGT trên các mẫu Bảng kê mua vào, bán ra.
Về thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), có thể cắt giảm 45 giờ bằng việc hạn chế sự khác biệt về quy định giữa doanh thu, chi phí kế toán và doanh thu, chi phí tính thuế TNDN. Nếu thống nhất thời điểm ghi nhận doanh thu cho mục đích thuế với các chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế thì sẽ giảm được 35 giờ; giảm thời gian để tính toán, điều chỉnh chi phí theo doanh thu chênh lệch theo kế toán và thuế là 10 giờ.
Còn về các giải pháp liên quan đến sửa đổi quy định tại Nghị định số 83/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế, thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ và nếu thực hiện thì có thể giảm được 88 giờ.
Trong đó, trước hết Nghị định sẽ cần nâng mức doanh thu khai thuế GTGT theo quý từ 20 tỷ đồng/năm trở xuống thành từ 50 tỷ đồng/năm trở xuống (tương ứng thu nhập bình quân đầu người 2.460 USD/năm). Thực hiện giải pháp này sẽ giảm được số giờ nộp thuế GTGT là 29,36 giờ; đồng thời giảm số lần nộp thuế GTGT là 7 lần.
Tiếp đến là phải bỏ quy định phải ghi thời hạn thanh toán theo hợp đồng vào cột Ghi chú của Bảng kê hóa đơn HHDV mua vào và khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng hoặc đến 31/12 hằng năm. Thay vào đó, DN tự rà soát và điều chỉnh trước thời điểm cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế hoặc cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra hoặc trong thời hạn 6 tháng kể từ khi cơ quan thuế có quyết định xử lý. Thực hiện giải pháp này sẽ giảm được số giờ nộp thuế GTGT là 12 giờ.
Thứ ba là bỏ quy định khai tạm tính thuế TNDN hàng quý. Thực hiện giải pháp này sẽ giảm được số giờ nộp thuế TNDN là 47 giờ; đồng thời, giảm số lần nộp thuế TNDN là 4 lần.
Như vậy, nếu thực hiện đồng bộ việc sửa đổi Thông tư 156 và Nghị định 83 nêu trên, thì đã có thể cắt giảm khoảng 290 giờ.
Bên cạnh đó, cũng còn một số giải pháp bổ sung khác, chẳng hạn như việc triển khai hệ thống kê khai và nộp thuế điện tử trên toàn quốc (có thể làm giảm thêm khoảng 14 giờ); xây dựng định mức tiêu hao cho mục đích thuế là 5 giờ; thông báo hạn mức tiêu hao với cơ quan thuế và phải điều chỉnh theo thực tế là 2,5 giờ vì các quy định này đã được bãi bỏ tại Thông tư 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Như vậy, thực hiện các giải pháp bổ sung này thì số giờ dự kiến giảm khoảng hơn 20 giờ nữa.
Lược giản thủ tục, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý thuế
Trước những băn khoăn rằng, việc cắt giảm một lượng lớn thời gian thực hiện các thủ tục kê khai thuế, nộp thuế trong thời gian ngắn có thể sẽ tạo ra sự lỏng lẻo trong quản lý thuế, ông Nguyễn Quang Tiến đã nói: “Các giải pháp mà Tổng cục Thuế đề xuất để giảm thời gian thực hiện các thủ tục kê khai thuế, nộp thuế cho người nộp thuế là các giải pháp khả thi, có thể thực hiện được ngay. Các giải pháp này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời cũng không ảnh hưởng số thu ngân sách Nhà nước”.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho biết, bên cạnh việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung về chính sách thuế, cơ quan thuế cũng đánh giá tác động của các chính sách sửa đổi này đến công tác quản lý thuế để từ đó tìm ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Ví dụ như, liên quan đến việc sửa và lược bỏ một số chỉ tiêu trên Bảng kê hoá đơn đầu vào và đầu ra sẽ giúp DN tiết kiệm được thời gian nhập thêm các chỉ tiêu này vào bảng kê vì chỉ cần chuyển dữ liệu từ phần mềm kế toán sang bảng kê, tuy nhiên, cơ quan thuế sẽ mất nhiều thời gian hơn do phải kết hợp các chỉ tiêu khi thực hiện đối chiếu, tra cứu hoá đơn GTGT trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn trước, kiểm tra tại cơ quan thuế.
Do vậy, ông Tiến cho rằng, biện pháp để quản lý các trường hợp này là cơ quan thuế sẽ phải sử dụng thông tin kê khai hoá đơn GTGT đầu ra của bên bán, đồng thời nâng cao năng lực phân tích thông tin quản lý rủi ro của DN và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại DN.
“Về lâu dài, khi 100% các DN thực hiện khai thuế điện tử thì cơ quan thuế hoàn toàn có thể tổng hợp và tra cứu được toàn bộ dữ liệu kê khai hoá đơn GTGT của tất cả các DN để kiểm tra, đối chiếu do các bảng kê này được gửi qua điện tử”, ông Tiến nhấn mạnh.