Câu chuyện chứng khoán
(Tài chính) Những câu chuyện trên thị trường chứng khoán (TTCK) có thể được nhìn nhận hơi lạc quan, hoặc hơi bi quan nhưng sẽ vô cùng rủi ro nếu nó không đúng sự thật, ranh giới chính - tà cũng rất mong manh.
Trong những bữa tiệc tất niên hay các buổi gặp mặt đầu xuân, những câu chuyện thú vị thường được đem ra kể để tạo ra không khí vui vẻ hoặc hoài niệm về quá khứ. Nếu như những câu chuyện đầu xuân chất chứa các giá trị tinh thần thì những câu chuyện trên TTCK lại mang nặng giá trị kim tiền.
Những cổ phiếu tăng giá mạnh, được nhiều người mua bán (tức thanh khoản cao) thường có một câu chuyện đi kèm. Cổ phiếu có giá rẻ mạt của một công ty yếu kém nhưng nếu có câu chuyện hay nhiều khi còn thu hút các nhà đầu tư (NĐT) hơn cổ phiếu của các công ty làm ăn ổn định.
Tiền có thể đẩy cổ phiếu tăng giá, nhưng để được nhiều người biết đến phải có câu chuyện đi kèm. Câu chuyện chứng khoán là sự tổng hợp rất nhiều các yếu tố để tạo ra một xu hướng (tăng/giảm giá) cho cổ phiếu, các yếu tố này phải kết nối với nhau, có tính liên tục và phải giống như món ăn ngon.
Năm 2013 là một năm đầy thách thức cho nền kinh tế và các công ty niêm yết cũng phải nỗ lực vượt qua khó khăn. Vậy nên cổ phiếu của những công ty nào làm ăn thua lỗ, tiến hành tái cấu trúc, bán tài sản, thu về tiền mặt, tập trung kinh doanh cốt lõi, có lãi trở lại là rất phổ biến.
Nhưng không phải cổ phiếu vượt khó nào cũng thu hút NĐT. Lấy thí dụ như các công ty vận tải biển, cũng công bố tái cấu trúc, bán tàu, thu về tiền mặt, rồi ngành vận tải biển cũng bắt đầu phục hồi, nhưng cổ phiếu chỉ tăng một đoạn rồi ngừng, sóng tăng không kéo dài. Đó là do câu chuyện đi kèm thiếu chi tiết “đắt”.
Chẳng hạn công ty báo lãi, kèm theo đó thanh khoản và giá của cổ phiếu sẽ phải tăng, đó là biểu hiện có nhiều người chú ý lắng nghe câu chuyện. Thông thường các chi tiết phải xuất hiện không cần quá dồn dập, nhưng cũng không quá thưa để duy trì “nhiệt” cho câu chuyện. Nếu như các ca sĩ “nuôi” một lực lượng fan ruột để thường xuyên đi theo cổ vũ, hò hét dù mình có… hát dở, thì câu chuyện của cổ phiếu nhiều khi có những chi tiết dở nhưng tiền đổ vào mua vẫn cứ ào ào.
Hệ quả là nhiều khi dở lại biến thành hay với lập luận “chắc phải có gì đó nên người ta mới đổ tiền ra mua”. Câu chuyện càng nhiều chi tiết hay, cổ phiếu càng có nhiều người mua, đà tăng giá càng dài. Đoạn kết của câu chuyện cũng sẽ là đỉnh của giá cổ phiếu.
Một câu chuyện hay nhờ có những chi tiết hay, nhưng cũng cần có người kể chuyện điêu luyện. Có rất nhiều người có thể kể chuyện hay, nhiều khi đó chỉ là bác xích lô, một anh xe ôm, hay vài người lao động ngồi lai rai uống bia với nhau chứ không nhất thiết đó phải là MC, nhà văn, diễn viên…
Kể chuyện cổ phiếu cũng vậy. Những người quản lý, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc tất nhiên có nhiều ưu thế để kể chuyện hay, vì họ điều hành công ty hàng ngày, tin tức, số liệu nắm trong tay nên hoàn toàn có thể “viết kịch bản” chọn lọc những chi tiết hấp dẫn. Nhưng nếu những người này không biết cách kể vẫn có sự hỗ trợ từ công ty chứng khoán (CTCK), quỹ đầu tư, cổ đông lớn, cổ đông nhỏ và có khi cả… đội lái.
Nhiều khi công ty chỉ đưa ra thông tin thô, còn viết nên câu chuyện và lan truyền ra ngoài sẽ là một bộ phận chuyên trách, bộ phận này phải có nghệ thuật làm sao để nhiều người bàn tán, nhiều quan điểm khác nhau, khen có, chê có, chửi bới có nhưng lúc nào cũng phải chú ý đến cổ phiếu.
Năm 2013, một cổ phiếu ngành dệt may từ chỗ bị kiểm soát (do kinh doanh thua lỗ) đã tăng giá nhờ liên tục công bố những kết quả kinh doanh tích cực. Ngoài ra cổ phiếu này còn được đánh giá là sẽ được hưởng nhiều lợi thế khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Các yếu tố hỗ trợ cả ở bên trong lẫn bên ngoài đều khả quan nên cổ phiếu này ở mức giá những ngày cuối năm 2013 đã gấp 4 lần giá đầu năm. Điểm đáng chú ý là khi cổ phiếu này chỉ chớm tăng giá hồi đầu năm, đã có một CTCK có thị phần tương đối lớn đưa ra nhận định những điểm tích cực về công ty. Có thể nói, CTCK này đã đóng vai trò tìm kiếm để rồi có được một câu chuyện hay và là người kể đầu tiên.
Cổ phiếu có câu chuyện hay, nhiều người mua, giá tăng tạo ra lợi nhuận, đi kèm theo đó là thanh khoản cao, tạo ra phí giao dịch cho CTCK. TTCK cần những câu chuyện để tạo ra sự hấp dẫn, thu hút NĐT và tất nhiên là để… tạo ra tiền. Câu chuyện cũng không chỉ nằm trong phạm vi của từng cổ phiếu mà có khi còn có cả những câu chuyện của cả thị trường. Những người phụ trách gọi vốn cho quỹ đầu tư có thể xem là những người kể chuyện siêu việt.
Họ có thể vẽ ra một viễn cảnh rất tốt đẹp về thị trường để NĐT an tâm. Ngoài ra họ còn có khả năng “đổ thừa” cũng rất siêu hạng khi tình hình không thuận lợi, lỗi sẽ không phải do họ, mà do khách quan và tất cả đều được chuyển hóa vào những câu chuyện rất lâm li bi đát.
Những câu chuyện trên TTCK có thể được nhìn nhận hơi lạc quan, hoặc hơi bi quan, nhưng sẽ vô cùng rủi ro nếu nó không đúng sự thật, ranh giới chính - tà cũng rất mong manh. Người khéo, kể chuyện thật có thể được đánh giá cao về khả năng tìm kiếm những cơ hội sinh lời, giúp cho thị trường, nhưng kể chuyện “xạo” cũng giống như lũng đoạn, làm giá.
Cũng giống như câu chuyện đầu xuân, người nghe muốn sự chân thành, ghét giả tạo, thì câu chuyện chứng khoán cũng phải dựa trên những gì sẵn có, phải có nền tảng nhất định.