“Chẩn đoán” thói quen tài chính thông qua ví tiền
Cách sử dụng ví tiền phần nào hé lộ thói quen tài chính của bạn và đôi khi là cần phải sớm thay đổi.
Ví có thương hiệu
Bạn tận hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống và chiếc ví của bạn phản ánh điều đó. Nếu bạn chi 700 USD cho một chiếc ví Louis Vuitton hoặc 360 USD cho một chiếc hiệu Gucci thì tiền bạc rõ ràng không quá quan trọng đối với bạn. Bạn xem trọng sự uy tín.
Không có gì sai khi dành cho bản thân những điều tốt đẹp, nhưng sở thích sử dụng đồ thương hiệu có thể là cảnh báo việc chi tiêu vượt mức. Hãy kiểm tra tài chính để đảm bảo rằng bạn có đủ khả năng cho lối sống của mình. Nếu chi tiêu xa hoa ảnh hưởng đến khả năng tiết kiệm, hay tệ hơn là mắc nợ, thì đã đến lúc phải cắt giảm.
Ngay cả khi không bị thâm hụt hàng tháng, bạn cũng nên cải thiện tình trạng tài chính bằng cách tạo ngân sách và duy trì nó. Việc lập ngân sách cho phép bạn kiểm soát được chi tiêu. Vì vậy, ngừng lãng phí đồng tiền khó kiếm được vào những thứ bạn không cần. Không có gì sai khi mua những đồ có thương hiệu, nhưng phải đảm bảo chúng phù hợp với ngân sách bản thân.
Ví đựng quá nhiều thứ
Nếu phải dùng một sợi thun hay vật nào đó để giữ cho chiếc ví đóng lại, đây là thời điểm bạn cần phải thay đổi. Bạn đang mang một lượng lớn những thứ không thực sự cần và điều này có thể chuyển thành thói quen chi tiêu.
Marc Roche - Nhà đồng sáng lập Annuities HQ, từng có một chiếc ví cồng kềnh, chứa đầy những thứ ông không cần. Vài tháng trước, vợ ông đưa cho chiếc ví mỏng và ông thừa nhận ông sẽ không bao giờ trở về tình trạng cũ.
“Rất nhiều thứ chúng tôi giữ lại là những thứ không cần nữa – điều tương tự cũng xảy ra với tài chính. Hãy kiểm tra lại sao kê ngân hàng mỗi tháng để xem có chi phí định kỳ nào bạn không còn cần nữa”, Roche nói.
Cắt giảm tuyệt đối những thứ trong ví của bạn là điểm khởi đầu tuyệt vời để cắt giảm ngân sách. Giảm bớt gánh nặng – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – giúp bạn tập trung vào những thứ quan trọng nhất.
Ví ngăn nắp
Sandy Massone, cố vấn tài chính tại Integrated Wealth Management, có một chiếc ví gọn gàng. Điều này giúp bà dễ dàng duy trì trật tự, theo dõi thẻ tín dụng nào đang sử dụng và đảm bảo bà rời khỏi nhà cùng với những gì cần thiết mà không cần phải suy nghĩ nhiều.
“Tôi là người ngăn nắp và sống theo ngân sách vì vậy tôi luôn muốn kiểm soát việc chi tiêu. Tôi luôn giữ các biên lai để nhập chúng vào ứng dụng trên điện thoại, thường là một lần một tuần, nhờ đó tôi có thể theo dõi chi tiêu của mình.
Trong thời đại thanh toán trực tuyến này, tôi thấy điều quan trọng là luôn luôn có sẵn tiền mặt cho những lần thẻ không hoạt động hay nếu tôi có thể mặc cả được giá tốt và có thể được giảm giá bằng cách trả tiền mặt. Điều đáng chú ý là tôi luôn sắp xếp tiền theo mệnh giá để tôi có thể dễ dàng thấy tôi có bao nhiêu tiền", Massone nói.
Bề ngoài nó chỉ là chiếc ví hoàn hảo ngăn nắp nhưng nó lại mang ý nghĩa sâu xa hơn thế. Nếu bạn dành thời gian để giữ cho chiếc ví ngăn nắp, bạn cũng có thể làm như vậy với tài chính. Bạn không cần lời khuyên nào nhằm duy trì tình trạng tài chính mà cứ tiếp tục phát huy.
Ví dán kiểu Velcro
Bạn không muốn phiền phức việc đóng mở ví tiền, hãy chọn chiếc ví dán như kiểu Velcro. Có thể bạn có một chiếc giống như vậy khi còn bé.
Không nghi ngờ gì về việc chiếc ví của bạn thú vị hơn so với những chiếc mang phong cách trưởng thành nhàm chán mà bạn bè bạn đang dùng, nhưng điều này có thể không biểu hiện tốt về thói quen tài chính.
Chịu trách nhiệm về chi tiêu cũng có nghĩa bạn đã trưởng thành. Tiếp cận tài chính với một tư duy trẻ con có thể dẫn đến hỗn loạn. Vì vậy, hãy xem xét kỹ hơn cách thức phân bổ tiền bạc của bạn.
Nếu vẫn chưa thực hiện được các bước chín chắn như lập kế hoạch nghỉ hưu và đăng ký thanh toán hóa đơn tự động thì đã đến lúc xin lời khuyên từ người lớn về tài chính.
Tin tốt là bạn không cần phải bỏ chiếc ví dán kiểu Velcro. Hãy giữ nó với mục đích nhắc nhở bạn vẫn chưa chín chắn trong suy nghĩ.
Chiếc kẹp tiền
Dạng ví này không thể chứa quá nhiều thứ. Bạn chỉ mang theo những thứ cần thiết – bằng lái xe, một hoặc hai thẻ tín dụng và một ít tiền mặt – bởi vì đó là tất cả những gì bạn thực sự cần.
Bạn cũng có thể dùng cách tương tự như vậy với tài chính. Luôn cập nhật những gì có trong ví có thể đồng nghĩa với chuyện bạn cũng biết được mình dùng tiền vào chỗ nào. Bạn có thể xem xét lại kỹ lưỡng các bảng sao kê ngân hàng cùng thẻ tín dụng, đồng thời tìm cách cắt giảm.
Có thể bạn không thích mua sắm bốc đồng, thay vào đó, bạn nên có các khoản chi tiêu thực tế và được lên kế hoạch tốt.
Tóm lại, các thói quen tài chính có trách nhiệm của bạn sẽ là tấm gương đối với những người khác. Bạn có tình trạng tài chính vững chắc, bởi vì bạn không bận tâm với những thứ không cần.
Mặc dù đôi khi vui chơi và thưởng thức một chút cũng không sao. So với hầu hết mọi người, bạn biết chính xác khả năng chi tiêu của bản thân. Vì vậy, thỉnh thoảng đừng bỏ lỡ cuộc hẹn ăn tối hấp dẫn, nghỉ dưỡng cuối tuần hay mua túi xách mới.
Ví có thương hiệu với giá vừa phải
Các nhà bán lẻ như H&M cung cấp các loại ví thời trang với giá cả phải chăng. Nếu bạn mua ví từ một trong những cửa hàng này hay từ một thương hiệu tương tự, bạn là người tiêu dùng khôn khéo, những người biết cách tiết kiệm tiền bạc.
Bạn thích mua hàng khuyến mại vì không muốn vượt quá ngân sách của mình. Bạn có thể nhận được thêm một điểm cộng vào tình trạng tài chính cá nhân vì bạn biết bạn có đủ khả năng cho những gì và thỏa mãn với điều đó.
Khi muốn mua hàng vượt quá giới hạn tiêu chuẩn, bạn sẽ tiết kiệm cho đến khi bạn có đủ tiền vì bạn luôn khéo léo như vậy.
Khả năng lập và duy trì ngân sách của bạn rất ấn tượng. Hãy tiếp tục phát huy và khi người khác cho là bạn tằn tiện thì hãy xem đó như là một lời khen ngợi. Biết cách làm thế nào để sống cuộc sống tốt đẹp trong phạm vi khả năng của mình là cả một nghệ thuật mà nhiều người chưa nắm vững.
Không có ví
Bạn thực sự không thích sự tổ chức. Thay vì dùng ví, bạn chọn giữ giấy phép lái xe, thẻ tín dụng và tiền mặt ở tủ đầu giường, kệ bếp hay bất cứ nơi nào bạn có thể đặt chúng vào đêm hôm trước.
Không có ví để cất những thứ quan trọng cần thiết đồng nghĩa bạn có thể lãng phí rất nhiều thời gian để tìm kiếm những vật dụng bị mất. Có lẽ cũng hiếm khi bạn rời khỏi nhà mà không quên điều gì đó.
Một số người có ngăn nắp hơn những người khác, và điều đó cũng không sao. Nhưng không mang theo một chiếc ví nào cũng không biểu hiện tốt đối với tình trạng tài chính của bạn. Bạn có thể bị tính thêm phí phạt – vì bạn không bao giờ nhớ thanh toán hóa đơn đúng hạn. Bạn cũng hiếm khi kiểm tra bảng sao kê thẻ tín dụng và thường xuyên rút tiền khỏi tài khoản, từ đó bạn không theo dõi được số dư của mình.
Những thói quen xấu này có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, vì vậy đã đến lúc bạn nên sắm một chiếc ví và kiểm soát lại tài chính bản thân. Bạn sẽ cảm thấy được tiếp thêm nghị lực khi biết được bạn chi tiêu bao nhiêu và cho cái gì.
Ví điện tử
Nếu bạn chuyên sử dụng ví điện tử, có thể bạn là người luôn chú trọng đến công nghệ mới nhất và không ngại trở thành người đầu tiên sử dụng những tiến bộ mới nhất.
Không có gì nghi ngờ khi bạn sử dụng những chiếc smartphone xịn để truy cập vào ví. Bạn không ngại chi tiền cho công nghệ mới nhất – và đôi khi bạn chi tiêu quá nhiều – nhưng khi nhắc đến tài chính, bạn thường rất có sắp xếp.
Bằng cách sử dụng ví điện tử, bạn biết bạn có tất cả bao nhiêu thẻ tín dụng và tiền mặt ở một nơi hợp lý. Bạn cũng có thể tận dụng các ứng dụng lập ngân sách trên điện thoại, thiết lập cảnh báo qua điện thoại hay email để thanh toán hóa đơn và quản lý tài khoản ngân hàng bằng ứng dụng trên điện thoại di động. Bạn nắm vững cách sử dụng công nghệ để khai thác các thói quen tài chính tốt.
Chiếc ví bảo vệ bằng công nghệ RFID
Bạn có biện pháp phòng ngừa an toàn hơn đối với tất cả mọi thứ bạn làm, và ví của bạn cũng không ngoại lệ. Nhìn chung bạn không thích mạo hiểm và có xu hướng thích sự an toàn trong tài chính.
Thay vì đầu tư vào cổ phiếu hay các phương tiện đầu tư có rủi ro cao hơn, bạn sẽ gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm. Dù tin hay không thì đây không phải là động thái tài chính tốt nhất.
Chiếc ví rỗng
Bạn có một chiếc ví nhưng không bao giờ có bất kỳ tiền mặt nào trong đó. Bạn cũng ngừng mang theo thẻ tín dụng bởi đã hết sử dụng. Nếu đang ở trong trường hợp này thì bạn đang ở mức báo động về tài chính. Nhưng đừng lo lắng, bạn có thể thoát khỏi nó.
Điều đầu tiên cần làm là đánh giá lại thói quen chi tiêu. Bạn luôn sống vượt trên khả năng? Nếu có, hãy tìm ra những chỗ có thể cắt giảm.
Nếu bạn chỉ sống bình thường thì có nghĩa là bạn cần tạo thêm thu nhập. Bắt đầu thực hiện các bước theo một hướng đúng và ví của bạn sẽ không còn bị rỗng nữa.