Chặn kẽ hở thanh toán khống qua POS
Dù hành vi giao dịch thẻ tín dụng khống bị cấm nhưng việc quản lý còn nhiều kẽ hở khiến dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng ngày càng phổ biến, công khai.
Theo các chuyên gia, muốn dẹp bỏ tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải có chế tài mạnh hơn để răn đe, thay vì chỉ ban hành các văn bản nhắc nhở, vì các giao dịch hiện nay đều lách dưới dạng hóa đơn, chứng từ thực, khiến ngân hàng khó kiểm soát được.
Cấu kết để hưởng lợi
Với mức phí thấp hơn so với việc rút tiền qua ATM, thậm chí được miễn lãi 45 ngày, nhiều chủ thẻ tín dụng cấu kết với các cửa hàng để rút tiền bằng các giao dịch khống, không mua hàng nhưng vẫn rút tiền và trả mức phí dao động 1,5- 2,2% trên tổng số tiền rút ngoài cho cửa hàng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động này ngày càng nở rộ, gây rủi ro lớn cho các sản phẩm vay, vì ngân hàng khó quản lý được khách hàng sử dụng vào mục đích gì sau khi rút tiền, không nắm bắt được tình trạng tài chính của khách hàng vay…
Hiện, dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng đang được quảng bá phổ biến trên các website, mạng xã hội, thậm chí được gửi vào số điện thoại cá nhân.
Chỉ cần gõ cụm từ: “Rút tiền, đáo hạn thẻ tín dụng” sẽ cho ra hàng loạt kết quả. Tại trang: ruttien….com công khai quảng cáo “dịch vụ giúp chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng thay vì chỉ dùng thẻ để thanh toán với mức phí thấp hơn khi rút tại ATM mà vẫn bảo mật thông tin”. Thậm chí, trang web này còn so sánh cụ thể rằng rút 10 triệu đồng với dịch vụ này, mức phí cao nhất phải trả chỉ 250.000 đồng và được miễn lãi 45 ngày, trong khi rút tại ATM có tổng chi phí sử dụng vốn lên đến 700.000 đồng vì phải trả phí rút tiền mặt 400.000 đồng và lãi suất 300.000 đồng nếu nợ 30 ngày.
Ngoài ra, gần đây còn xuất hiện tình trạng nhiều chủ thẻ tín dụng được nhân viên của một số ngân hàng tư vấn cho vay tiêu dùng với lãi suất 1,69%/tháng (20,28%/năm). Các chủ thẻ tín dụng chỉ cần đề nghị ngân hàng chuyển tiền từ thẻ tín dụng đến tài khoản cá nhân đứng tên mình hoặc tài khoản mở tại các ngân hàng khác, rồi rút tiền mặt để tiêu dùng. Khi đó, chủ thẻ có thể đăng ký trả góp vốn và lãi theo các kỳ hạn 12, 15, 18, 21 và 24 tháng.
Thực tế, NHNN đã nhiều lần cảnh báo, yêu cầu các ngân hàng phải rà soát và phát hiện các giao dịch khống để rút tiền mặt, nhất là các giao dịch ở nước ngoài, nhằm có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, theo giám đốc một trung tâm thẻ, khi phát hiện một địa điểm có dấu hiệu giao dịch bất thường cho khách hàng, ngân hàng xuống kiểm tra thì cửa hàng đó lại xuất trình được hóa đơn bán hàng, nên cũng không thể thu máy POS hoặc xử lý được.
Chế tài đã đủ mạnh?
Các chuyên gia cho rằng để ngăn chặn tình trạng rút tiền khống qua thẻ tín dụng, cơ quan quản lý phải ban hành chế tài đủ mạnh thay vì bằng văn bản nhắc nhở, cảnh báo.
Mới đây, NHNN tiếp tục ban hành văn bản 6410 yêu cầu các tổ chức thanh toán thẻ triển khai biện pháp kiểm soát từ chối giao dịch, từ chối thanh toán thẻ, chấm dứt hợp đồng thanh toán; không cho phép lợi dụng thẻ tín dụng để sử dụng vào các mục đích không đúng quy định.
Cụ thể, đối với thẻ tín dụng, phải có quy định rõ về phạm vi sử dụng thẻ tín dụng theo quy định, như: thẻ tín dụng chỉ được sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ.
“Các tổ chức cung cấp dịch vụ thẻ triển khai các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn (từ chối giao dịch, từ chối thanh toán thẻ, chấm dứt hợp đồng thanh toán), không cho phép lợi dụng thẻ tín dụng để sử dụng vào các mục đích không đúng quy định, như: sử dụng hạn mức thẻ tín dụng để chuyển tiền, ghi có vào tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước của khách hàng hoặc bên thứ ba (không phải đơn vị chấp nhận thẻ); rút tiền mặt tại POS của đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định pháp luật”, văn bản yêu cầu.
Đối với giao dịch thẻ, tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hiện hành về tăng cường giám sát, kiểm soát hoạt động thẻ ngân hàng.
Ngoài ra, với tổ chức thẻ quốc tế cũng phải tăng cường công tác trao đổi, chia sẻ thông tin và cảnh báo đến các tổ chức thanh toán thẻ danh sách các đơn vị có dấu hiệu thanh toán khống, thực hiện các giao dịch thẻ không phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khi chủ thẻ và người cung cấp dịch vụ quẹt thẻ còn thấy có nhiều kẽ hở để trục lợi thì việc “dập tắt” nó rất khó khăn, nhất là khi chế tài chưa đủ sức răn đe. Đồng thời khuyến cáo sử dụng cách rút tiền qua máy POS cũng mang lại những rủi ro cao cho người dùng thẻ.
“Những lợi ích này chỉ mang tính trước mắt, về lâu dài lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi các điểm dịch vụ này có thể giữ lại thẻ cùng chứng minh nhân dân của chủ thẻ qua đêm để hoàn tất thanh toán, thẻ tín dụng của khách có nguy cơ bị sao chép thông tin cá nhân, nhằm sử dụng vào các mục đích xấu như ăn cắp thông tin, làm giả thẻ nhằm rút tiền mặt, gây thiệt hại cho chủ thẻ và ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.