Châu Âu nới lỏng tiền tệ, châu Á hưởng lợi
(Tài chính) Chuyên gia của Reorient Group nhận định, số tiền thanh khoản bơm vào thị trường sẽ chảy đến các thị trường tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quay lại thực hiện "bất cứ điều gì" (theo cách nói của Chủ tịch ECB - Mario Draghi) để cứu đồng tiền chung và gia tăng kích thích kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, các thị trường châu Á sẽ được hưởng lợi từ những động thái trên.
Uwe Parpart - chiến lược gia trưởng tại Reorient Group viết trong một lưu ý hôm nay 5/9: "Sự gia tăng tính thanh khoản của khu vực đồng euro sẽ không dễ tìm ra nơi đầu tư phù hợp tại châu Âu. Giá trái phiếu đang ở mức cao khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm của Pháp và Đức đã giảm xuống dưới 0%. Một số quỹ sẽ đổ vốn vào trái phiếu của các quốc gia từng lâm vào khủng hoảng nợ, một số quỹ sẽ lựa chọn trái phiếu và giữ sức".
"Tuy nhiên, một thỏa thuận tốt sẽ giúp tiền thanh khoản từ ngân hàng chảy ra ngoài", Uwe Parpart nhận định.
ECB đã khiến giới đầu tư bất ngờ khi ra quyết định cắt giảm tất cả lãi suất điều hành chủ chốt xuống mức thấp lịch sử, đồng thời công bố một chương trình mua trái phiếu thế chấp bằng tài sản (ABS) và trái phiếu có bảo đảm (covered bond) sẽ bắt đầu được tiến hành từ tháng 10.
Sự mạnh lên của đồng USD khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ trở nên ít hấp dẫn hơn đối với người mua đến từ nước ngoài và số tiền thanh khoản bơm vào thị trường sẽ chảy đến các thị trường tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, Uwe Parpart nhận định.
"Khi đô-la Mỹ tăng giá, đồng Yên giảm giá, đó là tín hiệu tích cực đối với Nikkei, đặc biệt nếu BOJ (Ngân hàng Trung ương Nhật Bản) cũng tiến hành nới lỏng tiền tệ hơn nữa. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ việc định giá thấp và các biện pháp quản lý tài chính đa dạng", Uwe Parpart cho biết.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng hơn 9% kể từ đầu năm. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Nhật Bản lại giảm 3,5%. Các chỉ số Shanghai Composite và Nikkei 225 lần lượt tăng 0,5% và 0,2% trong ngày hôm nay 5/9.
Dariusz Kowalczyk, chuyên gia kinh tế và chiến lược gia cao cấp tại Crédit Agricole cùng chung nhận định rằng, các tài sản tại thị trường mới nổi sẽ hưởng lợi từ quyết định chính sách của ECB.
Dariusz Kowalczyk cho biết: "Kế hoạch tăng kích thước bảng cân đối kế toán thêm gần một nửa của ECB sẽ mang đến một số hiệu ứng lan tỏa của dòng vốn hướng đến các thị trường mới nổi".
Điều này cũng có nghĩa các tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng so với đồng euro, Dariusz Kowalczyk nói thêm.
Với lãi suất đang duy trì ở mức thấp kỷ lục tại châu Âu, đồng tiền chung (euro) có thể sẽ trở thành một đơn vị tiền tệ được "carry trade" phổ biến do các nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào loại tài sản mang đến lợi nhuận cao hơn, bao gồm các tiền tệ của thị trường mới nổi, chẳng hạn như đô-la Australia hay các tiền tệ của Nam Mỹ.
“Carry trade” là thuật ngữ trong kinh doanh ngoại hối (Forex) dùng để chỉ một hình thức đầu tư nhằm khai thác sự chênh lệch lãi suất của các loại tiền tệ trong những nền kinh tế khác nhau. Chẳng hạn, nhà đầu tư vay bằng ngoại tệ có lãi suất thấp, như đồng yên, để đầu tư vào các tài sản có lãi suất cao hơn ở một nước khác. Một đồng tiền yếu đi sẽ là nơi để các nhà đầu tư thực hiện “carry trade”, với mức lợi nhuận cao.