Chế độ bảo hiểm xã hội đối với đại biểu hội đồng nhân dân không hưởng lương từ ngân sách
Các vướng mắc xung quanh chế độ bảo hiểm xã hội đối với đại biểu hội đồng nhân dân không hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải đáp cụ thể.
Tại Công văn số 1700/LĐTBXH-BHXH gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ chính sách và Điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu hội đồng nhân dân thì “Đại biểu Hội đồng nhân dân được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế”.
Căn cứ quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành thì: Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: (1) Cán bộ, công chức, viên chức; (2) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên (áp dụng từ 01/01/2018); (3) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; và (4) Một số đối tượng khác.
Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Đối với người lao động là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn là mức lương cơ sở.
Thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, nhưng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, đối với đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách đang làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì thuộc đối tượng áp dụng chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội do người lao động lựa chọn theo quy định nêu trên.