Chiến dịch "Con Rồng Mê Kông II" bắt giữ gần 2 tấn ma túy và 150 tấn gỗ quý hiếm

PV.

Trong 4 tháng hoạt động của chiến dịch con Rồng Mê Kông, cơ quan Hải quan đã theo dõi các hoạt động vận chuyển hàng lậu trong nước và quốc tế, bắt giữ 284 vụ tại 9 quốc gia và vùng lãnh thổ, tịch thu 1.983 kg ma túy, 108 tấn tiền chất, 1.892 kg và 1.567 các loài động thực vật đang bị đe dọa, 82 động vật hoang dã còn sống, 145 tấn và 999 m3 gỗ quý hiếm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 12/11/2020, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Nguyễn Hùng Anh đại diện Hải quan Việt Nam tham gia Hội nghị trực tuyến tổng kết Chiến dịch con Rồng Mê Kông giai đoạn II trong đấu tranh phòng chống ma túy và động thực vật hoang dã.

Hội nghị trực tuyến chiến dịch con Rồng Mê Kông II, là Hội nghị tổng kết trong đấu tranh phòng chống ma túy & động thực vật hoang dã. Hội nghị có sự tham gia đại diện của 15 thành viên, đại diện của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc và Văn phòng liên lạc tình báo hải quan khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Hải quan thế giới.

Chiến dịch Con Rồng Mê Kông II được khởi động ngày 08/5/2020,  tại Hội nghị quốc tế họp và có sự tham gia của của cơ quan hải quan 15 nước thành viên bao gồm: Úc, Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. 

Chiến dịch này được triển khai trên cơ sở thành công của Chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn I năm 2019, do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến. Trên cơ sở đó, cơ quan phòng chống ma túy của Liên Hiệp quốc cũng đã thống nhất với Hải quan Việt Nam, hải quan các nước điều phối tiếp tục triển khai Chiến dịch con Rồng Mê Kông giai đoạn II.

Phạm vi của Chiến dịch con Rồng Mê Kông giai đoạn II  được mở rộng, với sự hợp tác hải quan trong đấu tranh phòng chống ma túy, vận chuyển động thực vật hoang dã bất hợp pháp trên tất cả các tuyến đường (đường không, đường biển, biên giới đất liền) và tội phạm xuyên quốc gia khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á.

Theo thông tin tại Hội nghị, trong 4 tháng hoạt động, cơ quan Hải quan đã theo dõi các hoạt động vận chuyển hàng lậu trong nước và quốc tế, triển khai các nghiệp vụ, bắt giữ 284 vụ tại 9 Quốc gia và vùng lãnh thổ, tịch thu 1.983 kg ma túy bất hợp pháp, 108 tấn tiền chất, 1.892 kg và 1.567 các loài động thực vật đang bị đe dọa, 82 động vật hoang dã còn sống, 145 tấn và 999 m3 gỗ quý hiếm. Số vụ bắt giữ ma túy chiếm 88% tổng số vụ.

Tại Hội nghị, các cơ quan Hải quan châu Á đã phân tích mức độ buôn bán ma túy và động vật hoang dã trong khu vực trong bối cảnh hạn chế đi lại giữa các nước do dịch bệnh.

Phát biểu tại Hội nghị, với tư cách là nước đồng chủ trì sáng kiến (cùng với Hải quan Trung Quốc), ông Nguyễn Hùng Anh nhấn mạnh: Qua báo cáo sơ bộ, Chiến dịch con Rồng Mê Kông giai đoạn II năm 2020 đã ghi nhận thêm những kết quả tích cực… đồng thời, những con số này cũng cho thấy một thực tế rõ ràng là các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia sẽ không có ý định từ bỏ hoặc giảm đi các hoạt động phi pháp do những hạn chế trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Ngược lại dường như chúng còn sử dụng các hoạt động tinh vi và liều lĩnh hơn.

Trung Quốc và Hồng Kông là hai nước có số vụ bắt giữ lớn nhất, Theo Phó Tổng cục trưởng Wang Hef của Cục Chống buôn lậu Hải quan Trung Quốc “Chiến dịch Con rồng Mekong là một ví dụ thành công về hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”, Ông cũng cho rằng “Công việc của chúng ta vẫn chưa hoàn thành cho đến khi các tổ chức liên quan trong các hành vi phạm tội bị loại bỏ và đưa ra ngoài ánh sáng”.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Hùng Anh chia sẻ: Từ đầu năm 2020 đến nay, Hải quan Việt Nam đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 129 vụ với 162 đối tượng, thu giữ hơn 800 kg và gần 400 nghìn viên ma túy các loại...

Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp quốc (UNODC) là cơ quan hỗ trợ cho Chiến dịch con Rồng Mê Kông II. Phát biểu tại Hội nghị, ông Jeremy Douglas, Đại diện khu vực của UNODC tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương đã biểu dương, ghi nhận những đóng góp các cơ quan chức năng trong khu vực trong triển khai Chiến dịch.