Hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về hải quan
Tổng cục Hải quan vừa xây dựng, hoàn thiện cơ chế đánh giá tuân thủ ở 4 nhóm đối tượng thuộc người khai hải quan và nhóm doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, đồng thời công khai tiêu chí đánh giá phân loại mức độ tuân thủ. Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của doanh nghiệp và nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020,
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, Việt Nam đã cải cách đáng kể khung pháp lý điều chỉnh nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Những cải cách này đặc biệt hiệu quả trong việc nâng cao năng lực quản trị kinh tế của các cán bộ chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu của khu vực tư nhân và cải thiện môi trường kinh doanh kiến tạo ở Việt Nam để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể cùng phát triển.
Bên cạnh đó, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tài trợ cho Dự án Tạo thuận lợi thương mại trong 5 năm với ngân sách 21,7 triệu USD để cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới thông qua đơn giản hóa, hiện đại hóa và hài hòa hóa các quy trình hải quan. Dự án này cũng giúp cắt giảm thủ tục xuất nhập khẩu, giảm bớt thời gian thông quan và tạo thuận lợi thương mại quốc tế cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, đồng thời bảo đảm năng lực quản lý và thực thi của cơ quan Hải quan.
Tháng 11/2019, Tổng cục Hải quan đã tham mưu trình Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 81/2019/TT-BTC quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, với nhiều điểm quan trọng có tác động đến hoạt động của doanh nghiệp. Đây được coi là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về quản lý rủi ro tại Việt Nam.
Việc áp dụng quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan sẽ không chỉ bảo đảm an ninh thương mại và tạo thuận lợi thương mại, từ đó tạo môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn, dễ dự đoán hơn, mà còn cho phép Tổng cục Hải quan tập trung nguồn lực của mình vào những lô hàng có rủi ro cao. Sự ra đời của Thông tư số 81/2019/TT-BTC giúp hoạt động quản lý rủi ro của hải quan trở nên minh bạch hơn.
Với sự hỗ trợ của USAID, Tổng cục Hải quan cũng đã xây dựng một Chương trình mới về hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật. Việc khuyến khích và khích lệ doanh nghiệp tuân thủ tự nguyện là rất quan trọng để thúc đẩy an ninh và vị thế của thương mại Việt Nam trên toàn cầu.
Chương trình này sẽ bổ sung và hỗ trợ cho công tác áp dụng quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan. Khi được thực hiện, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật sẽ hướng dẫn và trao cho doanh nghiệp những công cụ để họ tự đánh giá và nâng cao năng lực tuân thủ các quy định hải quan, từ đó góp phần giảm bớt thời gian và chi phí thương mại.
Cơ quan Hải quan công khai tiêu chí phân loại mức độ tuân thủ, mức độ rủi ro người khai hải quan và kết quả phân loại mức độ tuân thủ của người khai hải quan để doanh nghiệp nắm, thực hiện, tránh được sai sót, vi phạm trong quá trình làm thủ tục hải quan. Mức độ tuân thủ được phân thành 5 mức, mỗi mức người khai hải quan được đánh giá phân loại theo một mức độ tuân thủ duy nhất và công khai để doanh nghiệp nắm bắt thực hiện.
Về phía doanh nghiệp, trao đổi với báo chí, ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty Delta Internatinonal cho rằng, khi doanh nghiệp nắm được tiêu chí tuân thủ hải quan và thực hiện tốt quy định này của cơ quan hải quan thì sẽ được hưởng lợi khi được phân vào luồng xanh giúp tiết giảm được thời gian, chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.