Chiến tranh lạnh Mỹ - Trung: Chiếc bẫy Thucydides và những hậu quả khôn lường
Nếu quan hệ Mỹ - Trung đổ vỡ trong tương lai, một cuộc chiến tranh lạnh trên toàn diện sẽ xảy ra, khơi mào cho một giai đoạn phi toàn cầu hóa mới, hoặc ít nhất là sự phân chia của nền kinh tế thế giới thành 2 khối mâu thuẫn.
Vài năm trước, với tư cách thành viên của một đoàn đại biểu phương Tây đến thăm Trung Quốc, tôi đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Tập lập luận, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ diễn ra trong hòa bình; và các quốc gia khác, cụ thể là Mỹ, không cần phải lo lắng về việc hai nước rơi vào “chiếc bẫy Thucydides” - khái niệm được đặt theo tên vị sử gia Hy Lạp đã ghi lại nỗi sợ về một cuộc chiến không thể tránh khỏi giữa Sparta (thế lực đang thống trị) và Athen (thế lực đang lên).
Trong cuốn sách "Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap?", xuất bản năm 2017, giáo sư Graham Allison của Đại học Harvard đã phân tích 16 cuộc đối đầu từng diễn ra giữa một thế lực đang thống trị với một thế lực đang lên, và phát hiện, 12 trên 16 đều dẫn đến chiến tranh. Thế nên, rõ ràng khi chia sẻ, ông Tập muốn chúng tôi tập trung vào 4 trường hợp còn lại.
Mặc dù lịch sử không phải là yếu tố mang tính quyết định, cộng thêm việc cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều có nhận thức khác nhau về “bẫy Thucydides”, dường như cả hai vẫn đang rơi vào chiếc bẫy này. Và, dù viễn cảnh về một cuộc xung đột vũ trang giữa hai cường quốc này có lẽ vẫn còn khá xa, song nguy cơ của một cuộc chiến tranh lạnh đang ngày càng rõ nét.
Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc là bên đã gây ra những căng thẳng như hiện nay. Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, Trung Quốc đã thụ hưởng nhiều lợi ích từ hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu, song lại không thực hiện các nghĩa vụ cũng như hoạt động tách biệt với những quy định của nó.
Theo Mỹ, Trung Quốc hưởng lợi một cách bất công, thông qua hành vi như ăn cắp tài sản trí tuệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, trợ cấp cho doanh nghiệp nội địa và các tổ chức khác thuộc khu vực kinh tế nhà nước. Đồng thời, Mỹ cũng cáo buộc chính phủ Trung Quốc ngày càng độc đoán và đang biến quốc gia này trở thành nơi mang dáng dấp nhà nước Orwell (ám chỉ sự lừa gạt công khai, theo dõi ngầm và thao túng quá khứ bởi nhà nước toàn trị, bắt nguồn từ tiểu thuyết 1984 của nhà văn George Orwell).
Ngược lại, phía Trung Quốc nghi ngờ rằng, mục đích thực sự của Mỹ là nhằm ngăn chặn đà lớn mạnh và sự gia tăng sức mạnh cũng như tầm ảnh hưởng của họ ra thế giới. Theo Trung Quốc, việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tìm cách mở rộng sự hiện diện trên trường quốc tế là hoàn toàn hợp lý. Và, nhiều lãnh đạo cũng lập luận rằng, cơ chế của họ đã giúp cải thiện phúc lợi cho 1,4 tỷ người dân Trung Quốc, tốt hơn nhiều so với những gì mà hệ thống chính trị bế tắc ở phương Tây có thể làm được.
Bất chấp việc lý luận của ai thuyết phục hơn, leo thang căng thẳng trong vấn đề kinh tế, thương mại, công nghệ và địa chính trị có lẽ vẫn là điều không thể tránh khỏi. Giờ đây, chiến tranh thương mại leo thang có thể sẽ dẫn đến tình trạng thù địch vĩnh viễn. Điều này đã được thể hiện trong Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền Trump, khi xem Trung Quốc là một “đối thủ” cạnh tranh chiến lược, cần phải bị kìm hãm trên mọi phòng tuyến.
Theo đó, Washington đang mạnh tay hạn chế dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc đổ vào các khu vực nhạy cảm, cũng như theo đuổi các biện pháp nhằm đảm bảo cho sự thống trị của phương Tây trong các ngành công nghiệp chiến lược như trí tuệ nhân tạo và 5G.
Thêm vào đó, Mỹ đang gây sức ép lên các đối tác và đồng minh trong việc không tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường - một chương trình khổng lồ của Trung Quốc nhằm xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng xuyên suốt lục địa Á – Âu. Ngoài ra, chính quyền Trump cũng ra lệnh cho hải quân Mỹ tăng cường tuần tra tại vùng biển phía đông và nam Trung Quốc - nơi Bắc Kinh ngày càng mạnh miệng hơn trong các khẳng định chủ quyền của mình.
Những tác động toàn cầu đến từ chiến tranh lạnh Mỹ - Trung thậm chí sẽ còn nghiêm trọng hơn cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô; vì lúc đó, Liên Xô chỉ là thế lực đang suy tàn với mô hình kinh tế thất bại, trong khi Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, và còn tiếp tục tăng trưởng. Thêm vào đó, Mỹ và Liên Xô giao thương rất ít; trong khi Trung Quốc lại hoàn toàn tham gia vào hệ thống giao thương và đầu tư toàn cầu, đặc biệt là với Mỹ.
Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thiết lập một trật tự thế giới mới, dựa trên sự thừa nhận rằng, thế lực đang lên (và điều này vốn không thể tránh khỏi) cần được giữ vai trò trong việc hình thành các quy tắc và thể chế toàn cầu.
Một cuộc chiến tranh lạnh trên toàn diện có thể khơi mào cho một giai đoạn phi toàn cầu hóa mới, hoặc chí ít là sự phân chia của nền kinh tế thế giới thành hai khối mâu thuẫn.
Dù là trong kịch bản nào, thương mại hàng hoá, dịch vụ, dòng vốn, nhân công, công nghệ và dữ liệu sẽ bị hạn chế nghiêm trọng. Mạng internet sẽ trở thành “splinternet” (split: chia cắt + internet), mà trong đó hệ thống mạng của phương Tây và Trung Quốc sẽ không kết nối với nhau.
Với việc Mỹ ra lệnh trừng phạt ZTE và Huawei như hiện nay, Trung Quốc sẽ nhanh chóng tìm cách để đảm bảo các gã khổng lồ công nghệ của mình có thể tìm được nguồn cung linh kiện đầu vào ngay tại thị trường nội địa, hoặc chí ít là từ các đối tác thương mại không phụ thuộc vào Mỹ.
Trong một thế giới phân cực như vậy, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều sẽ mong muốn tất cả quốc gia còn lại đứng về phía mình; nhưng phần lớn chính phủ các nước sẽ nỗ lực duy trì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với cả hai bên. Rốt cuộc, nhiều đồng minh của Mỹ hoá ra lại đang hợp tác (xét về mặt thương mại và đầu tư) với Trung Quốc nhiều hơn cả với Hoa Kỳ.
Dẫu vậy, trong tương lai, khi Mỹ và Trung Quốc kiểm soát quyền tiếp cận các công nghệ thiết yếu như trí tuệ nhân tạo hay 5G một cách riêng rẽ, sẽ không có chỗ cho các quốc gia với lập trường trung lập. Tất cả sẽ buộc phải chọn một phe, và rồi thế giới sẽ tiến vào quá trình phi toàn cầu hóa kéo dài.
Dù chuyện gì xảy ra, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ là vấn đề địa chính trị chủ chốt của thế kỷ này. Đối đầu ở mức độ nào đó là không thể tránh khỏi. Thế nhưng, lý tưởng nhất là cả hai sẽ duy trì mối quan hệ này một cách tích cực, cho phép hợp tác ở một số lĩnh vực và cạnh tranh lành mạnh.
Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thiết lập một trật tự thế giới mới, dựa trên sự thừa nhận rằng, thế lực đang lên (và điều này vốn không thể tránh khỏi) cần được giữ vai trò trong việc hình thành các quy tắc và thể chế toàn cầu.
Còn nếu quan hệ hai bên đổ vỡ, qua việc Mỹ cố gắng làm hỏng đà phát triển của Trung Quốc cũng như kìm hãm sự trỗi dậy của nước này, còn Trung Quốc ráo riết bành trướng sức mạnh của mình lên châu Á và toàn thế giới, một cuộc chiến tranh lạnh trên toàn diện chắc chắn sẽ xảy ra.
Và, cũng không thể loại trừ xác suất xảy ra một cuộc chiến “nóng” (hay một loạt các cuộc chiến được giật dây bởi các thế lực đứng sau). Trong thế kỷ XXII này, "bẫy Thucydides" sẽ nuốt chửng không chỉ Mỹ và Trung Quốc, mà là cả thế giới.