Chiến tranh thương mại: Mỹ sẽ mất gì, Trung Quốc sẽ được gì?
Mỹ và Trung Quốc đã bước vào “lượt chơi” dạo đầu của cuộc chiến thương mại. Câu hỏi “Ai là người thắng, kẻ thua” trong cuộc “so găng” này?
Giai đoạn đầu của cuộc chiến thương mại thực sự
Chia sẻ với CNBC ngày 12/7, nhà kinh tế học Stephen Roach, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Đại học Yale cho rằng, các cuộc chiến thương mại không dễ thắng mà dễ thua và Mỹ đang trên đà thua trong cuộc chiến này.
Học giả kinh tế từng là chủ tịch Morgan Stanley khu vực châu Á đã ví cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay như một “kho đạn sống”, không còn là một cuộc đàm phán với ngôn từ đao to búa lớn. Ông nói: “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc chiến thương mại thực sự. Câu hỏi đặt ra là cuộc chiến này sẽ diễn ra ở mức độ nào và thùng thuốc súng này sẽ có tác động to lớn như thế nào trong tương lai”.
Cuộc chiến thương mại ngày một “nóng” lên khi hôm 10/7 chính quyền Trump công bố danh sách bổ sung các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD sẽ phải chịu mức thuế 10% sau khi quá trình đánh giá kết thúc.
Đáp lại, Bắc Kinh dọa trả đũa và thề sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hồi tuần trước, mức thuế của Mỹ đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD đã có hiệu lực. Trung Quốc phản pháo bằng cách đánh mức thuế 25% vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ với giá trị tương tự.
Ai mạnh hơn, ai yếu hơn?
Trong khi đó, các nhà kinh tế hàng đầu khác lại không đồng tình với nhận định của Roach. Trong đó phải kể đến Mohamed El-Erian, nhà cố vấn trưởng kinh tế tại Công ty dịch vụ tài chính châu Âu Allianz khi cho rằng, Mỹ vẫn có vị thế mạnh hơn Trung Quốc.
“Nói một cách tương đối, Mỹ sẽ thắng cuộc chiến này”, ông El-Erian nói. Chuyên gia về thị trường tài chính có tầm ảnh hưởng nhất thế giới này viện dẫn về quy mô hoạt động của thị trường Mỹ so với thị trường Trung Quốc đi theo một dạng thức nhất quán. Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Mỹ giao động vào khoảng 130 tỷ USD trong năm 2017, so với con số 505 tỷ USD giá trị hàng hóa mà Washington mua vào từ thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Trung Quốc sẽ “cạn đạn” trong cuộc chiến này, Roach lập luận. Chuyên gia này giải thích Mỹ phụ thuộc lớn vào Trung Quốc như một nguồn cung cấp hàng giá rẻ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ. Ngoài ra, Washington cũng phụ thuộc không nhỏ vào Trung Quốc để nước này mua trái phiếu của Mỹ nhằm ngăn chặn thâm hụt ngân sách, vốn đang ngày một phình to.
Bàn về “người thắng, kẻ thua” trong cuộc chiến này, tạp chí The Diplomat trích nhận định của Gary Hufbauer, nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng, cả hai bên sẽ đều thua trong một cuộc chiến thương mại toàn diện. Cuộc chiến kiểu này sẽ làm "bốc hơi" 1/3 giá trị kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ, khoảng 200 tỷ USD mỗi năm.
Rốt cuộc thì Bắc Kinh sẽ phải tìm kiếm các thị trường mới và thiết kế các sản phẩm mới tiết kiệm nguyên liệu. Tuy nhiên, trong vòng 2 - 3 năm tới, sự gián đoạn thương mại này đối với các công ty và giới công nhân sẽ có ảnh hưởng to lớn. Có thể 4 triệu công nhân Trung Quốc sẽ mất việc và nhiều hãng sản xuất của nước này sẽ đình đốn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể “tháo ngòi” cơn phẫn nộ chính trị trong nước bằng cách kêu gọi người dân thực hiện “bổn phận yêu nước” và chống lại các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Trả lời câu hỏi Mỹ sẽ mất gì, chuyên gia Hufbauer tính toán rằng nếu xuất khẩu của Mỹ bị cắt giảm 1/3, thì nước này sẽ "bốc hơi" khoảng 50 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Khoảng 250.000 công nhân Mỹ sẽ mất việc làm.
Đau đớn chính trị đối với Washington khi để mất số lượng công ăn việc làm này sẽ rất nghiêm trọng. Trong khi đó, khác với ông Tập, ông Trump lại không thể làm hạ hỏa cơn thịnh nộ chính trị nhằm vào mình bằng cách kêu gọi người dân thực hiện lòng yêu nước và chấp nhận những khó khăn kinh tế do cuộc chiến thương mại gây ra.