Chính phủ bảy nước giàu nhất thế giới muốn áp thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu chung
Chính phủ Mỹ đặc biệt muốn tăng thuế để có tiền chi trả cho các chương trình kích thích kinh tế mà chính quyền ông Joe Biden đang triển khai.
Chính phủ các nước công nghiệp phát triển G-7 mới đây đã đồng thuận ủng hộ quy định mới đánh thuế các doanh nghiệp hoạt động trên quy mô quốc tế để hướng đến thỏa thuận toàn cầu. Cụ thể, thuế doanh nghiệp sẽ được áp theo mức sàn 15%, chính quyền Joe Biden đã thể hiện quan điểm ủng hộ quy định này.
Trong cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính các nước mới đây tại London, các bộ trưởng đã thống nhất về một thỏa thuận giúp giải quyết căng thẳng giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn tại châu Âu nhiều lần đã đẩy hệ thống thuế toàn cầu vào hỗn loạn và tạo ra xung đột thương mại liên Thái Bình Dương.
Theo thỏa thuận này, các nước thành viên G-7 sẽ ủng hộ việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu đồng thời tìm cách chia sẻ doanh thu từ việc đánh thuế những doanh nghiệp lớn và có nhiều lợi nhuận nhất thế giới.
Nhóm các nước G7 bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật, Anh và Mỹ đồng thuận rằng các doanh nghiệp cần phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu ít nhất 15% tại mỗi nước mà họ hoạt động.
“Bộ trưởng Tài chính các nước G7 đã đưa ra được cam kết quan trọng và chưa từng có tiền lệ, nó giúp hướng đến việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu ít nhất 15%”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - bà Janet Yellen nói.
Vẫn còn nhiều chi tiết cần phải làm rõ và chỉ riêng việc thỏa thuận cũng không đủ để giúp quy định sẽ được áp dụng trên quy mô toàn cầu. Để điều đó có thể xảy ra, nó sẽ cần đến sự ủng hộ từ chính phủ các nền kinh tế G20 trong đó có bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ cũng như sự ủng hộ của 135 quốc gia cũng tham gia đàm phán.
“Thực sự công việc còn phải làm vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, quyết định này đã mang đến động lực quan trọng cho các cuộc đối thoại tiếp theo nơi mà chúng ta cố gắng tiếp tục có được thỏa thuận cuối cùng nhằm đảm bảo rằng các công ty đa quốc gia phải đóng mức thuế công bằng ở bất kỳ nơi nào họ hoạt động”, tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – ông Mathias Cormann, nhận xét.
Để thỏa thuận này có thể được hoàn tất, nó cần phải được chấp thuận bởi những nước có tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp dưới 15%. Một trong những nước này là Ireland bởi đây là nơi tập trung của rất nhiều công ty công nghệ và dược phẩm hàng đầu thế giới. Ireland hiện đang có tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp ước chừng khoảng 12,5%, chính phủ Ireland đã khẳng định sẽ vẫn muốn duy trì để có lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong dòng trạng thái đăng tải trên Twitter vào ngày thứ Bảy, Bộ trưởng Tài chính Ireland – ông Paschal Donohoe, khẳng định: “Bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ cần phải đáp ứng được nhu cầu của nhóm các nước nhỏ và lớn cũng như nước đang phát triển hoặc nước phát triển”.
Chính phủ Mỹ hiện vốn đang đánh thuế thu nhập doanh nghiệp mức tối thiểu muốn siết chặt quy định và nâng thuế thu nhập doanh nghiệp để có tiền chi trả cho các chương trình mới của chính quyền ông Joe Biden. Nếu nước Mỹ đơn phương làm như vậy sẽ làm tăng chi phí duy trì trụ sở tại Mỹ, thế nhưng nếu tất cả các nước cùng làm như vậy, lợi ích của việc rời khỏi Mỹ sẽ giảm đi đáng kể.
Để ép các nước khác cùng hướng đến thỏa thuận, nước Mỹ đã từ chối sẽ giảm thuế với hoạt động tại Mỹ của các doanh nghiệp đặt trụ sở tại các nước không áp thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu.