Chính phủ đã giải quyết nhiều vấn đề Quốc hội và cử tri quan tâm

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Chiều 12/6, mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo của Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII.

Chính phủ đã giải quyết nhiều vấn đề Quốc hội và cử tri quan tâm
Việc bảo đảm mối tương quan hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng có ý nghĩa rất quan trọng. Nguồn: Internet

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, ngay sau kỳ họp thứ 4, Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết, khẩn trương cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết những vấn đề mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

Trong 6 tháng qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo. Các bộ và địa phương đã tích cực tổ chức thực hiện. Nhiều việc đã đạt được kết quả tích cực như giãn, hoãn, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; kiểm soát cơ bản nhập khẩu gia cầm trái phép; rà soát tổng thể quy hoạch xây dựng; hoàn thiện quản lý chất lượng và chi phí các công trình xây dựng; giảm mặt bằng lãi suất; quản lý thị trường vàng; cơ cấu lại 9 ngân hàng thương mại yếu kém; quản lý giá thuốc; quản lý an toàn thực phẩm; khắc phục mất cân bằng giới tính khi sinh...

Tuy nhiên, theo nhận định của Chính phủ, một số việc triển khai còn chậm, cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới như: Hỗ trợ các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; hỗ trợ di dân tái định cư; phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội; xử lý nợ xấu; quá tải bệnh viện.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, giải quyết hàng tồn kho

Về lĩnh vực công thương, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tập trung chỉ đạo chủ động thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về tiếp cận tín dụng, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý và các hiệp hội ngành hàng để kịp thời nắm bắt thông tin, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tồn kho của một số loại hàng đã giảm so với tháng 12/2012 như sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản phẩm chế biến chế tạo, xe có động cơ... Tuy nhiên, sức mua của thị trường còn yếu, một số mặt hàng tồn kho lại tăng.

Đáng chú ý, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện việc giãn, hoãn thuế theo thẩm quyền và trình Quốc hội về miễn, giảm thuế. Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất (so với tháng 12/2012 giảm khoảng 3 - 4%/năm), ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định cho vay hỗ trợ nhà ở; nghiên cứu phương án sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua nhà ở đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; đang hoàn tất thủ tục để ban hành Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Các địa phương đã và đang rà soát các dự án phát triển nhà ở để cho phép tiếp tục triển khai đối với các dự án có hiệu quả; điều chỉnh quy hoạch các dự án cho phù hợp với nhu cầu của xã hội. Đến nay đã có 58 dự án nhà được đề xuất điều chỉnh để xây dựng 33 nghìn căn hộ nhà xã hội. Nghiên cứu chính sách khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê, thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở, phát triển các Quỹ đầu tư bất động sản để tạo nguồn vốn phát triển nhà ở. Thực hiện thí điểm chuyển đổi dự án nhà ở để bán sang nhà ở cho thuê.

Về giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho sinh viên, đã tích cực triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó tập trung phát triển thị trường nhà ở hướng vào mục tiêu đáp ứng nhu cầu cho 8 nhóm đối tượng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, gồm: Người có công với cách mạng; người nghèo ở khu vực nông thôn; người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; cán bộ, công chức, viên chức, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân lao động tại các khu công nghiệp; sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và nhóm đối tượng xã hội đặc biệt khó khăn. Đang triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Điều hành chính sách tiền tệ kiểm soát lạm phát, tạo đà cho tăng trưởng

Chính phủ nhận định: Trong chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, việc bảo đảm mối tương quan hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng có ý nghĩa rất quan trọng nhưng cũng là vấn đề khó, nhạy cảm và phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế cả trong ngắn, trung và dài hạn.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Chính phủ  đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất, bảo đảm vốn tín dụng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Theo dõi chặt chẽ thị trường tiền tệ, thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, bảo đảm thanh khoản, nhu cầu tín dụng đối với nền kinh tế.

So với cuối năm 2012, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 3 - 4%/năm. Dư nợ tín dụng đã tăng trở lại qua các tháng, tính đến ngày 31/5/2013, dư nợ tín dụng tăng 2,98% so với cuối năm 2012, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2012 (5 tháng đầu năm 2012 tăng 0,56%). Tiếp tục tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân vay vốn ngân hàng một cách hiệu quả.

Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu, chỉ số giá tháng 5/2013 tăng 2,35% so với tháng 12/2012 và tăng 6,36% so với cùng kỳ năm trước.

Về xử lý nợ xấu, đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp xử lý nợ xấu như rà soát, đánh giá, phân loại lại nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, đối tượng vay vốn, tài sản bảo đảm; đánh giá thực trạng tài sản đảm bảo để có giải pháp xử lý phù hợp. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc trích lập dự phòng rủi ro; ban hành quy định mới về phân loại tài sản có, về mức, phương pháp trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn. Ban hành và khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và đã phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 4/2013 tỷ lệ nợ xấu là 4,67%. Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu là 7,8%.