Chính phủ điện tử, không thể chậm trễ

Theo saigondautu.com.vn

Tại phiên họp đầu tiên diễn ra cuối tuần qua của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban, cho biết theo đánh giá của Liên hiệp quốc, Việt Nam xếp hạng 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan và Philippines) về CPĐT.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Xếp hạng này còn thấp so với mong muốn, và điều đó càng thúc đẩy quyết tâm mạnh mẽ hơn trong xây dựng CPĐT tại Việt Nam. Việc thành lập Ủy ban Quốc gia về CPĐT là một trong những nỗ lực trong việc thúc đẩy quá trình này.
Thực ra trong những năm gần đây, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển của CPĐT nói riêng, cũng như sự phát triển của kinh tế-xã hội nói chung. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về CPĐT từ năm 2016, đã tạo nên những thay đổi quan trọng, mang tính hệ thống hơn.
Việt Nam đã có những hệ thống mang tính quốc gia như hệ thống hải quan, thuế, đăng ký doanh nghiệp… Theo đó, tính đến nay đã có 26/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản với Chính phủ, 9.000 xã, phường đã có cổng điện tử, đã hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan.
Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng cho xây dựng CPĐT, cho đến nay đã triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh, Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; đang triển khai các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý của mình.
Trong việc áp dụng điện tử hóa thủ tục tờ khai, đẩy mạnh kết nối điện tử sớm nhất phải kể đến ngành hải quan và ngành thuế. Dù vẫn gặp nhiều trục trặc khiến doanh nghiệp khốn đốn trong kê khai hải quan điện tử, nộp thuế điện tử do bị nghẽn mạch, nhưng cũng phải khẳng định rằng việc ứng dụng CNTT trong thực hiện các thủ tục hành chính của 2 ngành này đã góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm tiếp xúc, từ đó giảm nhũng nhiễu. Đây cũng chính là bước đệm để thực hiện CPĐT, liên thông “Một cửa Quốc gia” theo tinh thần Nghị quyết 36a của Chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng CPĐT tại nhiều bộ ngành, địa phương vẫn còn rất chậm. Theo đó, các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT chậm triển khai; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã được triển khai thiếu sự kết nối, chia sẻ. Dịch vụ công trực tuyến, nhất là ở các địa phương triển khai riêng lẻ, chưa đồng bộ, dẫn đến trùng lắp, khó có khả năng kết nối, chia sẻ. Những bất cập này đã khiến hơn 15 năm qua, Chỉ số phát triển CPĐT Việt Nam luôn ở mức trên dưới 100, mức trung bình thấp của thế giới. 
Trong khi đó, cũng khoảng thời gian này, nhiều nước thực hiện CPĐT hiệu quả, đã giúp họ đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Thí dụ, Estonia đã cung cấp 99% dịch vụ thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp và thiết lập các hệ thống quản lý đăng ký công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử eID. Nước này xây dựng nền tảng x-Road để kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước. Tại Pháp, chính phủ nước này cũng xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống liên kết định danh quốc gia, cho phép kết nối giữa các dịch vụ công trực tuyến với một lần đăng nhập duy nhất.
Trong bối cảnh trên, việc xây dựng CPĐT không thể chậm trễ hơn nữa. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 (CMCN 4.0) đang tạo ra cơ hội và thách thức mới cho công tác ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT. Xây dựng CPĐT chậm trễ, năng suất sẽ thấp và tụt hậu. Xây dựng CPĐT nhanh sẽ góp phần chống tham nhũng tiêu cực, nhũng nhiễu. Đây có thể coi là cuộc cải cách, đổi mới, đặc biệt là cải cách hành chính, một nhiệm vụ rất lớn để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.