Doanh nghiệp bất động sản trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0
Nhiều doanh nghiệp đang phát triển bất động sản thông minh một cách lẻ tẻ, manh mún và thiếu hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bất động sản của Việt Nam đang dần hoàn chỉnh và ứng dụng công nghệ thông minh vào xây dựng các sản phẩm của mình ngày một đồng bộ hơn. Điều này giúp cho thị trường bất động sản phát triển một cách bền vững.
Căn hộ thông minh là xu hướng cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản. Dựa vào những ứng dụng trên điện thoại thông minh kết hợp với các tính năng được lập trình để quản trị và vận hành dịch vụ trong thực tế, các chủ đầu tư đang mang đến cho cư dân một cuộc sống tiện nghi và đẳng cấp nhất từ trước tới nay.
Từ bán hàng đến vận hành
Trước khi rời nhiệm sở về nhà, chủ nhà chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh bấm lệnh để điều khiển các thiết bị tại nhà là các hệ thống như bình nóng lạnh, điều hòa… sẽ tự khởi động và chờ chủ nhân về sử dụng.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực bất động sản không chỉ trong việc vận hành ngôi nhà mà được ứng dụng ngay từ khâu thiết kế, bán hàng.
Ông Lê Nhỏ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunshine, cho biết thành tựu này được ứng dụng trong lĩnh vực bất động sản là công nghệ thực tế ảo. Công nghệ này cho phép các nhà môi giới mang hình ảnh thực tế của ngôi nhà đến với khách hàng.
Chủ đầu tư chỉ cần xây dựng môi trường không gian ảo với các thiết bị tích hợp là có thể tổ chức các chuyến tham quan dự án tại bất kỳ địa điểm dự án nào trên cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, khách hàng có thể đặt ra những yêu cầu riêng cho việc thiết kế, lựa chọn thiết bị cho nhà mình theo tư duy chủ quan. Khách hàng có thể tương tác ảo trực tiếp trong không gian ba chiều để chọn phương án hoàn thiện tốt nhất cho căn hộ. Nếu thấy không ưng ý, khách hàng có thể trực tiếp thay đổi phương án vật liệu, nội thất cũng như điều chỉnh ánh sáng cho đến khi tìm được phương án tối ưu.
Chủ đầu tư dự án bất động sản Saigon Riverside Complex, quận 7, Tp. HCM cũng đưa công nghệ thông minh vào dự án bất động sản. Các căn hộ tại đây đều được trang bị hệ thống điều khiển thiết bị điện thông minh BKAV Smarthome và hệ thống truy cập Internet an toàn cho trẻ G-Smart.
Trong đó, BKAV Smarthome giúp kết nối tất cả các thiết bị điện trong ngôi nhà thành một hệ thống mạng để có thể điều khiển, như hệ thống đèn chiếu sáng, rèm cửa, điều hòa nhiệt độ, tivi, âm thanh, khóa cửa, bình nóng lạnh, hệ thống an ninh.
Tập đoàn Đại Phúc mới đây cũng cho biết đang mời gọi doanh nghiệp công nghệ vào tham gia gói thầu về thiết bị thông minh cũng như quản lý khu đô thị Vạn Phúc City bằng công nghệ smarthome.
Qua smarthome, chủ nhân của các căn hộ tại dự án có thể yêu cầu nhiều dịch vụ, từ gọi sửa chữa kỹ thuật, sửa điện, truyền hình, đến các dịch vụ khác như giúp việc, dọn vệ sinh, giặt là, xem và thanh toán các hoá đơn dịch vụ hàng tháng; đặc biệt là việc cảnh báo phòng cháy chữa cháy tại căn hộ.
Chưa thích ứng với nhu cầu?
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực đời sống, ngành nghề, trong đó bất động sản không là ngoại lệ. Để thích ứng với sự thay đổi này, nhiều doanh nghiệp cũng đã chuyển mình. Những doanh nghiệp chậm thay đổi để theo kịp xu hướng này sẽ dần dần bị thay thế và đào thải.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một số chuyên gia bất động sản cho rằng nhiều doanh nghiệp hiện nay đang phát triển bất động sản thông minh theo hướng lẻ tẻ, manh mún thiếu tính đồng bộ sẽ làm cho công cuộc kiến tạo những đô thị thông minh gặp nhiều khó khăn, cần những biện pháp tháo gỡ.
Mặc dù không thể phủ nhận sự tiện lợi của những căn hộ thông minh mang lại cho khách hàng, song một thực tế khác là nhiều người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý e ngại về mô hình căn hộ này.
Theo ông Phạm Lâm, CEO DKRA Việt Nam, người dùng căn hộ thông minh vẫn lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin. Đó là phần lớn người dân hiện nay sử dụng smartphone, nên vấn đề bảo mật là rất đáng lo ngại. Thêm nữa là sự thích nghi của khách hàng và mức độ nhu cầu sử dụng chưa cao.
Đơn cử như trước đây, sử dụng khóa và chìa để mở cửa nhưng sau đó xuất hiện thẻ từ và hiện nay là vân tay. Trong khi, để xây dựng một khu căn hộ thường mất 2 – 3 năm.
Nếu chủ đầu tư xác định sẽ đầu tư thẻ từ cho dự án của mình, nhưng sau khi dự án hoàn thiện thì xu hướng thị trường đã chuyển sang sử dụng vân tay và giọng nói. Từ đó, căn hộ của họ sẽ trở nên lỗi thời và thiếu tính cạnh tranh.
Hơn nữa, việc đầu tư cho các thiết bị thông minh thì sẽ phải tăng giá bán. Trong khi đó, nhu cầu của khách hàng hiện nay chỉ mua những căn hộ tầm trung nên ảnh hưởng đến cả chủ đầu tư và khách hàng.
Để thúc đẩy bất động sản phát triển hơn nữa trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Lê Nhỏ kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp bất động sản áp dụng công nghệ 4.0 trong việc phát triển các dự án bất động sản để thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phát triển hiện đại, bắt kịp xu hướng dự án thông minh, thành phố thông minh trên thế giới.
Đồng thời, ông cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xây dựng bộ cơ sở dữ liệu các dự án bất động sản từ đó kết nối với chính phủ điện tử. Điều này giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước dễ dàng tìm hiểu các cơ hội đầu tư. Đặc biệt, với bộ cơ sở dữ liệu cho các dự án bất động sản, các cơ quan quản lý sẽ quản lý minh bạch chống đầu cơ, thổi giá trên thị trường.