Chính phủ hàng loạt các nước châu Á mạnh tay ngăn bong bóng bất động sản
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo việc giá nhà đất tại châu Á tăng cao tiềm ẩn mang đến nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính.
Chính phủ Trung Quốc, Singapore và nhiều nước châu Á khác đang cố gắng ngăn bong bóng trên thị trường bất động sản tiềm ẩn khả năng cản đà phục hồi của khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tại Trung Quốc, giá nhà đất tăng kỷ lục ngay cả sau khi các nhà chức trách áp mức giá trần, yêu cầu cần có lượng tiền gửi lớn hơn và hạn chế hành vi mua căn nhà thứ 2.
Tại Hồng Kông, giới chức kinh tế hàng đầu cam kết cung cấp thêm bất động sản để làm dịu giá cả, thị trường đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng nhất tính từ khi thị trường lập mức đỉnh cao vào năm 1997.
Câu chuyện tương tự đang diễn ra tại Singapore và Đài Loan.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo việc giá nhà đất tại châu Á tăng cao tiềm ẩn mang đến nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính. Chính phủ các nước trong khu vực hiện đang cố gắng đưa ra biện pháp hạn chế đà tăng trưởng nóng của thị trường hơn là nâng lãi suất để ngăn sự sụp đổ giống như trên thị trường nhà đất Mỹ.
Dù giá bất động sản chưa giảm ngay, thế nhưng cổ phiếu các công ty bất động sản đã lãnh đủ.
Chỉ số chứng khoán cổ phiếu bất động sản trên thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương đã giảm 15% trong năm 2010 trong khi đó cổ phiếu công ty bất động sản tại Mỹ tăng 1,5%.
Thị trường bất động sản Hồng Kông đã có bước ngoặt khi tập đoàn của tỷ phú Lee Shau-kee công bố hủy bán 20 căn hộ cao cấp, trong đó có 1 căn hộ có thể thiết lập kỷ lục về gía, mức giá cụ thể khoảng 11.300USD/foot vuông (1 foot vuông bằng 0.093 mét vuông).
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra biện pháp hạn chế hoạt động kinh doanh của các công ty bất động sản, hạn chế tín dụng đối với việc mua căn nhà thứ 3, thắt chặt điều kiện chi trả đối với căn nhà được mua thứ 2.
Giá bất động sản tại Trung Quốc chưa giảm, doanh số đã giảm sâu. Doanh số bất động sản tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến giảm khoảng 70% trong tháng 5/2010.