Chính phủ Trung Quốc không còn cứu các doanh nghiệp nhà nước bằng mọi giá?
Quan điểm cho rằng chính phủ sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước khi họ không trả được nợ giờ đây không còn chính xác nữa.
Vỡ nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục khi mà Bắc Kinh từng chấp thuận cho những công ty đã vay nợ nhiều tiếp tục vay thêm tiền, theo tin từ Nikkei.
Các công ty Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu tổng số 116 tỷ nhân dân tệ tương đương khoảng 18 tỷ USD trái phiếu trong vòng 6 tháng đầu năm 2021, con số cao nhất chưa từng thấy với khoảng thời gian nửa đầu năm.
Việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không thể trả được tiền vay trái phiếu đang khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài lo lắng, đồng thời nó cũng đẩy cao lợi suất trung bình với trái phiếu Trung Quốc phát hành bằng ngoại tệ với nhóm doanh nghiệp có tín nhiệm tín dụng thấp lên trên mức 10%.
Chính phủ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện đang đặc biệt ưu tiên giảm nợ trong các doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, chính phủ có thể đẩy nhiều doanh nghiệp vào khó khăn trong việc huy động nguồn tiền cho doanh nghiệp của họ. Yếu tố này sẽ tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.
Ngày một nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (SOEs) đang không trả được nợ, dấu hiệu cho thấy quan điểm cho rằng chính phủ sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước khi họ không trả được nợ giờ đây không còn chính xác nữa. Đã nhiều thập kỷ nay, nhóm SOEs đã được đảm bảo nợ nần khi họ gặp khó khăn về tài chính, thế nhưng họ không thể coi sự hỗ trợ của nhà nước là đương nhiên, theo chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Nhật, ông Shinichi Seki.
Hãng sản xuất chip Trung Quốc, doanh nghiệp Tsinghua Unigroup, cũng đã không ngừng vỡ nợ với các khoản trái phiếu được định giá bằng đồng USD.
Năm 2019, nhóm SOEs chiếm khoảng 10% trong tổng số các doanh nghiệp Trung Quốc không trả được nợ ttrais phiếu. Tỷ lệ này tăng lên thành 50% trong năm 2020. Nhóm các doanh nghiệp SOEs hiện vẫn đang chiếm khoảng 40% trong tổng số các doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu trong năm nay.
Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Daiwa, ông Naoto Saito, phân tích các doanh nghiệp nhà nước đã vay nợ chồng chất bởi tin rằng họ sẽ không bao giờ bị cho phá sản, tuy nhiên những lo lắng về rủi ro đạo đức đã khiến chính phủ Trung Quốc buộc phải tiến hành cải cách.
Việc hàng loạt doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc phá sản cho thấy lãnh đạo Trung Quốc đang thực hiện cam kết phá vỡ rủi ro đạo đức, họ dừng hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước và để cho nhóm này phá sản.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang giảm dần sự quan tâm với trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc. Chuyên gia quản lý quỹ tại công ty đầu tư nước ngoài cho biết ông sẽ chấm dứt đầu tư của quỹ ông vào những doanh nghiệp Trung Quốc có xếp hạng tín nhiệm thấp.
Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc, nhóm doanh nghiệp bị xếp hạng dưới ngưỡng đầu tư, hiện đang tăng chóng mặt. Trái phiếu định giá bằng đồng USD do doanh nghiệp Trung Quốc phát hành mỗi năm hiện đang có mức lợi suất 10,1% và như vậy vượt ngưỡng 10% lần đầu tiên trong vòng 13 tháng, theo Intercontinental Exchange. Tỷ lệ lợi suất này quá cao nếu so với mức trung bình của toàn cầu ước tính dưới 5% với trái phiếu đầu cơ.
Nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã hạ xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp Trung Quốc. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings và Moody Investor đã hạ dự báo xếp hạng tín nhiệm của China Evergrande Group. Các động thái này đẩy lợi suất trái phiếu của nhóm doanh nghiệp này vượt mức 20% bất chấp thời hạn đáo hạn là bao nhiêu.