Chính phủ cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp


"Cộng đồng doanh nghiệp hãy cùng Đảng và Nhà nước phát huy tinh thần của một dân tộc anh hùng trên hành trình chiến lược đưa đất nước Việt Nam hướng tới một xã hội khá giả, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045 - kỷ niệm lần thứ 100 năm thành lập nước” .

Các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành đơn thuần về khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ...
Các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành đơn thuần về khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ...

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi tới cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra ngày 23/12/2019.

Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đã cùng nhau nhìn lại, đánh giá tình hình phát triển của khu vực doanh nghiệp thời gian qua về các kết quả đạt được; Những hạn chế, tồn tại; Nguyên nhân và đề xuất, giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững hơn nữa.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, tình hình phát triển doanh nghiệp thời gian qua có nhiều điểm sáng ấn tượng. Tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao liên tục trong 5 năm gần đây. Trung bình giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có trên 126 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Năm 2019, dự kiến đạt 136 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn doanh nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu quy mô doanh nghiệp theo hướng tích cực, tỷ trọng các doanh nghiệp quy mô vừa có xu hướng tăng trong khi tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm, tạo tiền đề hình thành lực lượng doanh nghiệp Việt Nam có vai trò dẫn dắt.

Các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành đơn thuần về khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa; Phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm hướng tới người thu nhập thấp, nhóm người yếu thế trong xã hội. Sự linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh cũng có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc cần khắc phục, điển hình như: số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó: năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng năm 2019 là 49,4%;

Bên cạnh đó, dù đã có những dấu hiệu tích cực trong thời gian gần đây, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với cấu trúc tại các nền kinh tế khác có khu vực doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Hiện tượng này dẫn tới sự mất cân đối trong cấu trúc các doanh nghiệp; Năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, máy móc thiết bị còn lạc hậu; chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, đặc biệt công nghệ lõi, công nghệ tiên phong...

Trước thực tế đó, đối với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tương tác và khuyến khích sự chủ động hợp tác, tương trợ nhau trên thương trường, phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó với nhau khi khó khăn và cùng nhau vươn ra biển lớn. Các doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới chính mình, phải thực sự tái cấu trúc và cải tiến liên tục, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu sản phẩm, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ, luôn nghĩ đến chìa khóa công nghệ mỗi khi cần giải quyết một bài toán sản xuất, tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định FTA.

Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước, cũng như sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng mong muốn với những thành quả quan trọng về kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2019 và khí thế mới 2020 cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hãy tự tin đặt mục tiêu lớn hơn trong năm 2020, dám đặt tầm nhìn và nuôi dưỡng khát vọng lớn hơn trong giai đoạn tới.

Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cam kết sẽ đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Chính phủ cam kết tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phải giữ tốc độ phát triển trong nhiều năm tới; Chính phủ sẽ cải cách tích cực, rà soát, tạo quyền lợi cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Chính phủ sẽ không được làm thay, tạo sự ỷ lại cho doanh nghiệp trong nước; Đồng thời, Chính phủ cam kết bảo vệ quyền tài sản chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu và sớm ban hành thiết chế bảo vệ quyền tài sản của người dân và doanh nghiệp, kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng quyền lực công, đụng chạm đến tài sản và lợi ích của doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần ý thức việc để một doanh nghiệp, thương hiệu lớn của Việt Nam biến mất là thất bại của không chỉ doanh nghiệp mà còn là cả Chính phủ, chính quyền địa phương. Một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh bền vững có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những doanh nhân Việt Nam có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.