Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khẳng định vai trò trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội


Trong những năm qua, bám sát các định hướng giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Vượt qua những khó khăn, thách thức của đại dịch COVID-19, với tinh thần đoàn kết, thích ứng linh hoạt, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi mục tiêu “kép”, vừa hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; vừa thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, qua đó, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò trụ cột của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới.

Quan điểm, chủ trương của Đảng về an sinh xã hội

An sinh xã hội là hệ thống các chính sách và chương trình do Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện, nhằm bảo đảm cho mọi người dân có được mức tối thiểu về thu nhập, có cơ hội tiếp cận ở mức tối thiểu về các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin... thông qua việc nâng cao năng lực tự an sinh của người dân và sự trợ giúp của Nhà nước.

Ở Việt Nam, các trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội bao gồm tạo việc làm, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trợ giúp xã hội và giảm nghèo do Nhà nước làm chủ đạo, tạo ra mạng lưới an toàn nhiều tầng cho tất cả các thành viên, các nhóm xã hội, nhất là các nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương khi bị suy giảm hoặc mất nguồn thu nhập, khi gặp rủi ro, hoạn nạn, đau ốm, bệnh tật…

Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới (năm 1986) đến nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội và coi đây là mục tiêu, và là động lực để ổn định chính trị - xã hội, phát triển bền vững. An sinh xã hội được xác định là một bộ phận quan trọng của chính sách xã hội, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bảo đảm an sinh xã hội là điều kiện để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Tiếp tục phát triển quan điểm, chủ trương của Đảng, trong những năm gần đây, vấn đề an sinh xã hội đã được đề cập trong các nghị quyết của Đảng. Điển hình như: Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đã đặt ra yêu cầu: Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ...; đồng thời, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm mức sống tối thiểu và hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn; coi bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân.

Nghị quyết Đại XIII của Đảng tiếp tục xác định an sinh xã hội là một lĩnh vực quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, trong đó chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là trụ cột chính của hệ thống ASXH, góp phần vào sự tiến bộ và công bằng xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, đưa đất nước phát triển bền vững.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021- 2025), theo đó định hướng đến năm 2025, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số. Một trong những định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 được nêu rõ trong Nghị quyết là: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân”.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng xác định: Cải cách hệ thống BHXH đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững. Đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) cũng đề ra mục tiêu: Thực hiện BHYT toàn dân, phấn đấu tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số, đa dạng mức đóng và mức hưởng. Hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Đặc biệt, trong 2 năm qua (2020-2021), từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát tại Việt Nam, trước những tác động tiêu cực của đại dịch, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, quyết định đưa ra các gói hỗ trợ an sinh cho người dân, doanh nghiệp với các chính sách hỗ trợ chính liên quan tới BHXH, BHTN, qua đó cho thấy rõ vai trò chủ đạo của chính sách BHXH, BHTN.

Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, ngành BHXH Việt Nam đã phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Cụ thể, ước đến hết ngày 31/12/2021, số người tham gia BHXH là hơn 16,578 triệu người, đạt 33,3% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 2,56% so với năm 2020); số người tham gia BHYT khoảng 88,827 triệu người, tăng 0,97% so với năm 2020, chiếm 91% dân số.

Ước đến hết ngày 31/12/2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội là hơn 16,578 triệu người, đạt 33,3% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 2,56% so với năm 2020); số người tham gia bảo hiểm y tế khoảng 88,827 triệu người, tăng 0,97% so với năm 2020, chiếm 91% dân số.

Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh và là một trong những điểm sáng của Ngành, được các đại biểu Quốc hội khóa XV ghi nhận, đánh giá cao. Trong năm 2021, ước có trên 1,3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 2,6% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020, vượt 1,7% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH.

Việc giữ vững tốc độ tăng trưởng BHXH tự nguyện trong điều kiện khó khăn chung, một lần nữa khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực cao của toàn ngành BHXH Việt Nam. Trong đó là sự tích cực, chủ động, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT phù hợp với các địa bàn, khu vực tương ứng với từng cấp độ dịch bệnh COVID-19; là những nỗ lực trong đổi mới nội dung, hình thức truyền thông vận động người tham gia BHXH, BHYT, thích ứng linh hoạt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

  Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên, ngành BHXH Việt Nam cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ “chưa có tiền lệ” đến người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn, do dịch COVID-19 trong năm 2021. Theo đó, với vai trò là cơ quan thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, năm 2021, BHXH Việt Nam đã tiếp tục chủ động đề xuất, tham gia phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, gồm: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021. Đặc biệt là gói hỗ trợ trên 30.000 tỷ đồng từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, đây là gói hỗ trợ trực tiếp lớn nhất từ trước đến nay.

Để triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất gói hỗ trợ đến tay người lao động, người sử dụng lao động, BHXH Việt Nam đã tập trung huy động mọi nguồn lực sẵn có để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; phát huy lợi thế của hệ thống công nghệ thông tin, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian chi trả. Kết quả cụ thể như sau:

Đối với Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, chỉ sau 7 ngày, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị (tương ứng 11,238 triệu lao động) với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; đã giải quyết cho 842 đơn vị (với 159.885 lao động) tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất với số tiền trên 1.111 tỷ đồng tại 57 tỉnh, thành phố…

Đối với Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, chỉ sau 5 ngày, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc thông báo điều chỉnh mức đóng (giảm từ 1% xuống 0%) vào Quỹ BHTN cho 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động (tương ứng 9,676 triệu lao động) với số tiền khoảng 7.595 tỷ đồng; đã chi trả chế độ hỗ trợ cho 12.941.196 lao động với số tiền khoảng 30,73 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, có thể nói, việc ngành BHXH Việt Nam triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho người lao động, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân. Việc chi trả nhanh, gọn, dứt điểm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đúng lúc người lao động, người sử dụng lao động đang gặp khó khăn có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố thêm niềm tin vững chắc của người lao động vào các chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.

Để đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành và địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Là cơ quan được giao thực hiện các chính sách này, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai quyết liệt, sáng tạo cụ thể hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; kịp thời xây dựng kế hoạch, kịch bản điều hành chi tiết, linh hoạt, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh.

Bên cạnh đó, toàn ngành BHXH Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân thụ hưởng kịp thời, đầy đủ các quyền lợi; phát huy, tăng cường sự đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách của công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành…

Giải pháp hoàn thành, chỉ tiêu nhiệm vụ được giao

Phát huy kết quả đạt được, năm 2022 dự báo dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ngành BHXH Việt Nam nên tập trung triển khai các nội dung sau:

Một là, thường xuyên rà soát, xây dựng, kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị sửa đổi những điểm bất cập, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hỗ trợ kịp thời, tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với người yếu thế, người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; thống nhất quan điểm chỉ đạo xuyên suốt “lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”.

Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành BHXH Việt Nam để phục vụ doanh nghiệp, người dân.

Bốn là, đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư.

Chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên môi trường internet, mạng xã hội; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT.

Năm là, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT; thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT cho người tham gia.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.

Sáu là, quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp BHTN; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT; khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của Ngành để kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, BHTN, BHYT.

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý Quỹ BHXH, BHTN, BHYT an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả; vừa kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, tối ưu Quỹ BHXH, BHTN, BHYT, vừa đảm bảo quyền lợi người tham gia.

Bảy là, tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Ngành...

Tám là, nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số cho ngành BHXH Việt Nam, nhất là việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động của Ngành nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi đơn vị, doanh nghiệp và người dân.

Chín là, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các đơn vị; đồng bộ với việc sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo vị trí việc làm, chuyên môn, nghiệp vụ.

Mười là, thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Mười một, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm, rõ kết quả...

(*) TS. Vũ Thị Như Quỳnh - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam/Bài đăng trên Tap chí Tài chính Kỳ 1+2 - Tháng 01/2022.