Phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19


Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và chính sách bảo hiểm thất nghiệp nói riêng đã phát huy vai trò tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cũng như người sử dụng lao động. Có thể khẳng định, bảo hiểm thất nghiệp như “chiếc phao cứu sinh” cho người lao động và người sử dụng lao động trong hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Bài viết khái quát chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phân tích vai trò, tính nhân văn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội

Khái quát v bo him tht nghip

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động thông qua vai trò chủ động và thụ động nhằm rút ngắn thời gian thất nghiệp của người lao động, thời gian tuyển dụng lao động của doanh nghiệp (DN), giảm thiệt hại cho xã hội do việc làm trống không có người đảm nhận hoặc lao động không được sử dụng vì không có việc làm hoặc không có kỹ năng cần thiết để đảm nhận vị trí việc làm, giúp thị trường lao động vận hành hiệu quả hơn. Nếu như trước đây, khi người lao động mất việc làm, chủ DN phải mất phí trợ cấp mất việc làm cho người lao động, thì khi chính sách BHTN ra đời, DN không còn bị áp lực về mặt tài chính, khi có nhiều lao động thôi việc.

Chính sách BHTN được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 71/2006/QH11 và các văn bản hướng dẫn, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009 với các điểm chính như: Đối tượng tham gia BHTN là người lao động giao kết hợp đồng lao động; hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng với người sử dụng lao động quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật BHXH có sử dụng từ 10 lao động trở lên.

Các chế độ BHTN: Trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế; Mức đóng BHTN của người lao động, người sử dụng lao động, nhà nước là 1% mức tiền lương; việc tiếp nhận, giải quyết hưởng các chế độ BHTN do ngành Lao động thực hiện; việc thu, chi, quản lý Quỹ BHTN do ngành BHXH thực hiện. Từ ngày 01/01/2015, chính sách BHTN được thực hiện theo quy định của Luật Việc làm với những sửa đổi về mặt chính sách.

Tình hình phát trin bo him tht nghip

Nếu như năm 2009, số người tham gia BHTN là gần 6 triệu người thì đến 31/12/2020 đã có trên 13,3 triệu người tham gia. Năm 2020, tổng số người được chi trả trợ cấp thất nghiệp hàng tháng gần 6,74 triệu người với số tiền chi trả trên 67.900 tỷ đồng. Tổng số người hưởng hỗ trợ học nghề trên 227 nghìn người với số tiền hỗ trợ 425 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ BHTN còn chi trả tiền đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.

Trong tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay, chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và chính sách bảo hiểm thất nghiệp nói riêng đã phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như người sử dụng lao động, tạo điều kiện tối đa để mọi người lao động đều được tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Số đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp trong những năm đầu thực hiện chính sách tương đối thấp, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp ngắn, số người hưởng hỗ trợ học nghề chưa cao, được phản ánh số chi các chế độ BHTN so với số thu quỹ BHTN trong những năm đầu chỉ dao động khoảng dưới 30%.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ này gia tăng, năm 2015 là 52% trở lên thì đến năm 2019 tỷ lệ này là 70%. Đặc biệt, năm 2020, mặc dù đại dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng và tiêu cực tới kinh tế - xã hội nhưng tỷ lệ này đạt khoảng 92%. Tính đến hết ngày 31/8/2021, toàn quốc đã chi trả chế độ BHTN cho trên 550 nghìn người với số tiền chi trả trên 11 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ 2020.

Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn cách, làm việc luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… So với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch COVID-19 trong quý III/2021 tăng thêm 15,4 triệu người. Hầu hết người bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 25 đến 54 tuổi, chiếm 73,3% tổng số lao động chịu ảnh hưởng. Trong đó, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, chiếm 51,1%; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.

Sự sụt giảm nghiêm trọng về số người lao động có việc làm trong quý III/2021 xuống thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, tương ứng giảm 2,9% so với quý II/2021 và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng lao động có việc làm quý III/2021 là 47,2 triệu người, (giảm gần 2,6 triệu người so với quý II/2021 và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020) và là mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Khng đnh tính nhân văn trong bi cnh đi dch COVID-19

Trong tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay, chính sách BHXH nói chung và chính sách BHTN nói riêng đã phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như người sử dụng lao động, tạo điều kiện tối đa để mọi người lao động đều được tham gia BHTN. Tính nhân văn của BHTN là sự chia sẻ giảm bớt gánh nặng đối với người lao động khi bị mất việc làm.

Chỉ với mức đóng 2% (người lao động 1%, người sử dụng lao động 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN) chính sách của BHTN với các chế độ: trợ cấp thất nghiệp (hưởng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp), tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ đào tạo nghề, cấp thẻ bảo hiểm y tế để được khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động đều nhằm mục đích giúp người lao động quay trở lại thị trường lao động và có việc làm ổn định.

Hiệu quả của BHTN được minh chứng trong đại dịch COVID-19, thời gian qua, đã hỗ trợ nhiều lao động khi mất việc làm, giúp người lao động có cơ hội quay lại thị trường lao động nhanh hơn nhờ tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ học nghề để nâng cao tay nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để người lao động để có thể tìm kiếm việc làm mới bền vững hơn. Việc chi trả trợ cấp thất nghiệp đã hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn, bảo đảm sự thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị mất hoặc giảm thu nhập.

Chính vì lẽ đó, ngày 01/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (được sửa đổi bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021) với mục tiêu hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch C O V I D -19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Với Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP, vai trò quan trọng của chính sách BHTN được thể hiện linh hoạt đối với những đơn vị sử dụng lao động đã đóng đủ BHTN từ 12 tháng trở lên, có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định.

Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/ người và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng, số tiền hỗ  trợ được chi từ Quỹ BHTN. Đặc biệt, do đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, để hỗ trợ DN, người lao động, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN và Quyết định số 28/ QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN.

Nghị quyết số 116/NQ-CP đã thể hiện được rõ ràng về mục đích, nguyên tắc của chính sách hỗ trợ đó là sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động được hỗ trợ giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Thực hiện chính sách này, có khoảng gần 13 triệu người lao động và 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng và số tiền hỗ trợ khoảng 38.000 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ giảm mức đóng vào Quỹ BHTN khoảng 8.000 tỷ đồng và chi hỗ trợ cho người lao động có thời gian bảo lưu hoặc đang tham gia BHTN khoảng 30.000 tỷ đồng). Chính sách hỗ trợ cho người lao động được thực hiện trên nguyên tắc đóng – hưởng và chia sẻ lẫn nhau. Theo đó, người lao động được nhận mức hỗ trợ từ 1,8 đến 3,3 triệu đồng/người.

Để cùng chia sẻ những khó khăn với người lao động và đơn vị sử dụng lao động, toàn ngành BHXH đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện giải quyết chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, phấn đấu đến ngày 30/11/2021 cơ bản hoàn thành các nội dung của Nghị quyết. Cụ thể: Tại tỉnh Phú Yên, những ngày qua, cơ quan BHXH tỉnh này đã không quản ngày đêm, kể cả trong ngày nghỉ, tập trung rà soát, cập nhật, đối chiếu dữ liệu đảm bảo chuyển tiếp hồ sơ nội bộ nhanh nhất có thể nhằm giúp người lao động sớm được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.

Riêng bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính được tăng cường lực lượng vừa tiếp nhận, hướng dẫn người lao động cài đặt ứng dụng BHXH số (VssID) để đối chiếu quá trình tham gia BHTN của cá nhân, vừa nhập hồ sơ vào phần mềm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến, giúp người lao động không mất thời gian, công sức giao dịch trực tiếp với cơ quan BHXH, tránh tiếp xúc để đảm bảo an toàn trong thời kỳ dịch bệnh.

Tại TP. Hồ Chí Minh, gần 3 triệu lao động, bao gồm lao động làm việc tại 84.000 DN và lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHTN được hưởng gói hỗ trợ từ Quỹ BHTN lần này, với kinh phí hơn 6.000 tỷ đồng, chiếm 23% so với toàn quốc theo thống kê sơ bộ của BHXH Thành phố. Cơ quan BHXH các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã tập trung nỗ lực rà soát, tiến hành triển khai gửi danh sách người lao động tham gia BHTN cho các đơn vị sử dụng lao động để thực hiện đối chiếu, xác nhận thông tin để kịp thời chi hỗ trợ, giúp người lao động sớm có thêm nguồn tài chính để chi phí vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.

Việc ban hành chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động của Chính phủ một lần nữa khẳng định Quỹ BHTN được quản lý công khai, minh bạch và được đầu tư tăng trưởng theo đúng quy định của Nhà nước. Tiền đóng vào Quỹ BHTN của người lao động và người sử dụng lao động được bảo toàn, tăng trưởng và hỗ trợ cho DN và người lao động đúng vào thời điểm khó khăn nhất.

Thông qua các chính sách hỗ trợ từ Quỹ BHTN đã góp phần chống chịu với những khó khăn do tác động của dịch bệnh của người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, có thể thấy, BHXH nói chung và BHTN nói riêng là những chính sách rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và sự hài hòa lợi ích của người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Vì vậy, chính sách BHTN đến nay khẳng định vị trí không thể thiếu trong hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật BHXH số 71/2006/QH11;

2. Quốc hội, Luật Việc làm;

3. Chính phủ (2021), Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;

4. Chính phủ (2021), Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp;

5. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID- 19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. 

(*) Đào Duy Hiện - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Xã hội (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2021.