Chính sách định giá carbon để mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Theo nhandan.vn/Reuters

Theo một cuộc thăm dò ý kiến ​​mới đây của các nhà kinh tế về khí hậu do Reuters thực hiện, việc đưa ra giá carbon trung bình trên toàn cầu cao hơn mức 100 USD trở lên là cần thiết để khuyến khích phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Reuters đã thăm dò ý kiến ​​các nhà kinh tế lớn ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ trong tháng 10/2021 trước cuộc đàm phán của Liên hợp quốc tại Glasgow, được nhiều người coi là cơ hội cuối cùng của thế giới nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới mức 2 độ C và mức lý tưởng là 1,5 độ C.

Vấn đề định giá carbon đã đi đầu trong các biện pháp, chính sách được coi là cách để giảm lượng khí thải xuống mức phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Nhóm các nền kinh tế lớn G20 lần đầu tiên công nhận định giá carbon là một công cụ khả thi tại cuộc họp ở Venice (Ý) trong năm nay. Động thái này đánh dấu một sự thay đổi lớn so với 4 năm trước đó khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên phản đối việc đề cập đến biến đổi khí hậu như một nguy cơ toàn cầu trong các tuyên bố quốc tế.

Giá carbon càng cao được coi là điều cần thiết để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang quá trình không phát thải vào năm 2050, ước tính trị giá khoảng 44 nghìn tỷ USD, tương đương 2%-3% GDP trên toàn cầu hàng năm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã khuyến nghị mức giá carbon trung bình toàn cầu là 75 USD/tấn vào cuối thập kỷ này.

Tuy nhiên, theo quan điểm của khoảng 30 nhà kinh tế về khí hậu từ khắp nơi trên thế giới được thăm dò ý kiến trước hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow cho thấy, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì mức trung bình đó ít nhất phải là trên 100 USD và phải được thực hiện ngay lập tức.

Con số này cao hơn đáng kể so với mức mà hầu hết các quốc gia đưa ra, bao gồm cả các nước phát thải carbon cao.

Gần 70% số người được hỏi trong khảo sát cho biết, chi phí carbon trên mỗi tấn phải trên 75 USD và một số chuyên gia đề xuất từ 100 USD trở lên. Một số đề xuất khác dao động từ 50 USD đến 250 USD.

Patrick Saner, người đứng đầu chiến lược vĩ mô tại tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re cho biết, giá carbon hiện tại ở các nền kinh tế G20 là từ 3 USD - 60 USD/tấn khí thải, nhưng nhiều nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil, Ấn Độ, Indonesia vẫn chưa có giá khí thải carbon. “Chúng ta cũng cần phải thừa nhận rằng bản chất việc định giá carbon không phải là phương án giải quyết hiệu quả ngay tức khắc cho một vấn đề khó khăn”.

Ba nước phát thải đứng đầu hiện nay đó là Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ đang chiếm khoảng một nửa lượng khí thải carbon trên toàn cầu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các cam kết carbon hiện tại của các chính phủ không đủ để đạt được mục tiêu và việc thu hẹp khoảng cách sẽ cần đưa ra mức giá phát thải carbon trung bình trên toàn cầu phải cao hơn nhiều so với những gì IMF khuyến nghị.

Julien Holtz, chiến lược gia tại tập đoàn đa quốc gia Pictet Wealth Management cho rằng, giá carbon trung bình trên toàn cầu trên mỗi tấn hiện tại vào khoảng 2 USD do chỉ có khoảng 20% ​​lượng khí thải toàn cầu được bao phủ bởi các chương trình định giá carbon trên thực tế.

Trong khi, Trung Quốc, một trong những quốc gia phát thải carbon lớn nhất, đã khởi động hệ thống giao dịch khí thải vào hồi tháng 7, với giá mở cửa là 7,51 USD/tấn, thì Mỹ và Ấn Độ vẫn chưa có cơ chế thị trường định giá carbon nào.

Ngay cả Liên minh châu Âu (EU), đi đầu trong việc giảm lượng khí thải carbon, đã đặt giá carbon cao hơn một nửa so với khuyến nghị trong cuộc thăm dò ý kiến. Giá carbon chuẩn trong hệ thống giao dịch khí thải của EU, được giao dịch ở mức 67,26 USD kể từ ngày 20/10.

Theo Reuters, giá của EU dự kiến ​​trung bình vào khoảng 65,07 USD và 81,36 USD/tấn trong năm nay và cho năm tiếp theo.

Chênh lệch giữa các nền kinh tế lớn đặt ra một thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia đồng ý với một mức giá carbon toàn cầu cao đồng đều, điều này giải thích phần nào cho hàng loạt các khuyến nghị do các nhà kinh tế về khí hậu đưa ra để đạt được mức 0 vào năm 2050.

Với việc hầu hết các nước mới nổi và một số nước phát triển tiếp tục phụ thuộc vào các nguồn năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu năng lượng của họ, giá carbon cao sẽ khó duy trì ổn định.

Mặc dù đây được coi là yếu tố quan trọng để chống lại biến đổi khí hậu, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chỉ với định giá phát thải carbon là vẫn không đủ. Vấn đề quan trọng vẫn là sự hỗ trợ về chính sách tài chính và quy định, ngoài việc định giá phát thải carbon để bảo đảm rằng các nền kinh tế có thể giảm lượng khí thải ở tốc độ cần thiết và hợp lý.