Chính sách hỗ trợ của nhà nước về giải quyết việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam
Tại Việt Nam hiện nay, lực lượng lao động khuyết tật chiếm tỷ lệ không nhỏ. Do vậy, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giải quyết việc làm có ý nghĩa rất quan trọng đối với lực lượng này. Bài viết phân tích một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giải quyết việc làm cho người lao động ở Việt Nam và đề xuất một số kiến nghị để thực hiện tốt hơn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người khuyết tật trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Trong xã hội ngày nay, để tìm được công việc ổn định và phù hợp rất khó khăn, đặc biệt đối với người khuyết tật bởi họ luôn phải chịu thiệt thòi về thể chất, tinh thần hơn những người khác. Bên cạnh đó, người khuyết tật còn chịu nhiều bất lợi khác như thường xuyên bị tách biệt khỏi xã hội bởi những phản ứng tiêu cực từ xã hội.
Vì vậy, giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật không chỉ là một vấn đề kinh tế, mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Khi người lao động khuyết tật được tạo điều kiện tiếp cận cơ hội việc làm, họ sẽ có thêm tự tin để cống hiến những năng lực của mình cho xã hội.
Việc làm giúp người lao động khuyết tật tạo ra của cải vật chất cho xã hội, có thu nhập nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình. Qua đó, người khuyết tật không còn tâm lý phải sống dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, sống hòa nhập hơn với cộng đồng, xã hội.
Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động và chỉ có 31,7% người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm. Trong số khoảng 7 triệu người khuyết tật có đến 87,27% người khuyết tật sống ở nông thôn, tỷ lệ người khuyết tật ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo thường cao gấp 3 tỷ lệ nghèo trung bình của cả nước.
Trình độ học vấn của người khuyết tật thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, hơn 41% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ, số người khuyết tật có trình độ từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ chiếm 19,5%. Về trình độ chuyên môn, tới hơn 93% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn; số có bằng cấp từ chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5% (Nguyễn Khang, 2023).
Từ thực trạng đề cập ở trên, trong những năm tới, Đảng và Nhà nước ta cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách giải quyết việc làm cho người khuyết tật, bảo đảm cho lực lượng này thụ hưởng một cách bình đẳng chính sách an sinh xã hội cũng như "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong thực hiện mô hình tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam hiện nay.
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giải quyết việc làm cho người khuyết tật hiện nay
Chính sách hỗ trợ vốn cho người khuyết tật
Luật Người khuyết tật được ban hành năm 2010 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, cụ thể hóa quy định Hiến pháp của Nhà nước, từng bước luật pháp hóa các quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và các chính sách liên quan đến người khuyết tật, tạo môi trường pháp lý, điều kiện và cơ hội bình đẳng, không rào cản đối với người khuyết tật. Điều 33, Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định: “Người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ”.
Vấn đề việc làm đối với người khuyết tật được hướng dẫn cụ thể tại Điều 8, Nghị định 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Luật người khuyết tật năm 2010 như sau: “Khuyến khích người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật; người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm...”.
Người khuyết tật tiếp cận với vốn vay của NHCSXH rất thuận lợi, bởi họ là đối tượng ưu tiên vay vốn của NHCSXH và được áp dụng mọi chế độ như những đối tượng chính sách khác trong xã hội. Để hỗ trợ tín dụng đối với người khuyết tật, NHCSXH đã cho các đối tượng vay vốn thông qua Quỹ quốc gia về việc làm. NHCSXH Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ vốn vay cho người khuyết tật. Tính đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay đối với người khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật tại NHCSXH đạt 238 tỷ đồng, với 6.391 khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ lệ 0,06% trên tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH.
Ngoài hỗ trợ vốn cho các trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật, nhiều địa phương còn có những chính sách ưu đãi khác như: cấp đất cho Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi; cấp đất cho Hội nạn nhân chất độc da cam xây dựng cơ sở điều trị, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam; dạy văn hóa, dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ Dạy nghề...
Chính sách đào tạo nghề cho người khuyết tật
Điều 32 Luật Người khuyết tật 2010 quy định: (1) Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác; (2) Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi người khuyết tật học hết chương trình đào tạo và đủ điều kiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề; (3) Cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật phải bảo đảm điều kiện dạy nghề cho người khuyết tật và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; (4) Người khuyết tật học nghề, giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có 1.912 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với tổng số 3.359 giáo viên tham gia dạy nghề cho người khuyết tật. Ngoài ra, các hội, đoàn thể cũng tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm cho hàng nghìn người khuyết tật. Từ năm 2012 đến nay, Chính phủ đã bố trí ngân sách gần 10 tỷ đồng/năm để dạy nghề, tạo việc làm cho khoảng 19.000 người khuyết tật. Cùng với đó, nhiều người khuyết tật được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, xóa nghèo, học nghề, được tập huấn nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặt chỉ tiêu đến năm 2030 có 300.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm. Cùng với đó là hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật tại 6 vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người khuyết tật (Mai Hoa, 2023).
Chính sách sử dụng người lao động là người khuyết tật
Điều 35 Luật Người khuyết tật 2010 quy định: Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Điều 34 của Luật này.
Trong khi đó, theo Điều 10 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Điều 35 Luật Người khuyết tật 2010 về việc Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc: Doanh nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định được hưởng chính sách ưu đãi quy định tại điểm a và điểm c Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP; Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ NHCSXH...
Để tạo môi trường lao động cho người khuyết tật, Nhà nước nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật, thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với lao động là người khuyết tật.
Một số tồn tại, hạn chế đặt ra
Mặt dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn và còn một số hạn chế. Theo đó, người khuyết tật rất khó tiếp cận vốn vay ưu đãi để học nghề hoặc mở các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân là NHCSXH từ năm 2014 đến nay không được bổ sung nguồn vốn từ Nhà nước. Ngân hàng chỉ thực hiện bằng nguồn vốn quay vòng, chưa có nguồn vốn dành riêng cho người khuyết tật vay để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người khuyết tật sau đào tạo nghề tìm được việc làm còn thấp và chủ yếu là tự tạo việc làm. Nguyên nhân do 80% người khuyết tật sống ở nông thôn, trình độ văn hóa thấp, môi trường thiếu thông tin về việc làm. Bản thân người khuyết tật thường sống khép kín, thụ động, cộng thêm những rào cản xã hội như thái độ phân biệt, đối xử... nên không quan tâm đến việc tìm việc làm.
Bên cạnh đó, các đơn vị, tổ chức sử dụng lao động cũng chưa sẵn sàng nhận người khuyết tật vào làm việc, vì hiệu quả làm việc của họ không cao và họ không chủ động được một số hoạt động như những người bình thường. Nhiều doanh nghiệp “lắc đầu” với người khuyết tật còn vì sợ mất hình ảnh, sợ đầu tư cơ sở vật chất, sợ bị kiện, bị phạt tiền nếu lỡ vô tình phân biệt đối xử với người khuyết tật (Báo điện tử VTV, 2015).
Kiến nghị
Để nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong giải quyết việc làm cho người khuyết tật, bài viết đề xuất một số kiến nghị sau:
Một là, thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tất cả mọi người trong xã hội, nhằm xóa bỏ cảm giác mặc cảm tự tin của gia đình và bản thân người khuyết tật, xóa bỏ thái độ phân biệt đối xử với người khuyết tật, giúp họ hòa nhập cộng đồng, tìm được việc làm phù hợp, đóng góp sức mình vào việc xây dựng và phát triển đất nước.
Hai là, phát huy cao hơn nữa vai trò của các trung tâm đào tạo nghề. Các cơ quan chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu về người khuyết tật; Phân tích, đánh giá nhu cầu học nghề, việc làm của từng nhóm đối tượng, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.
Ba là, thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lao động, việc làm, nhất là cho lao động khuyết tật. Các tổ chức xã hội phát động phong trào khuyến khích khởi nghiệp; thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp hoặc trung tâm phát triển doanh nghiệp, tạo “giá đỡ”, làm “bệ phóng” cho người khuyết tật vươn lên.
Bốn là, Cục Việc làm (Lao động - Thương binh và Xã hội) hỗ trợ các địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động hướng tới đối tượng người khuyết tật; tiếp tục đặt hàng hợp đồng với Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan khác như Trung ương Đoàn, Hội người mù Việt Nam… để thực hiện các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động khuyết tật, sao cho họ tìm được công việc phù hợp, có thu nhập ổn định.
Năm là, thực hiện giám sát và đánh giá kết quả thưc hiện hoạt động hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật thường xuyên, kịp thời khắc phục những khó khăn và phát huy những kết quả đạt được, tạo động lực cho người khuyết tật cũng như các bên liên quan.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2010), Luật người khuyết tật số 51/2010/QH12;
- Chính phủ (2012), Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 quy đinh chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật;
- Nguyên Khang (2023), Giải pháp tạo việc làm cho người khuyết tật, https://nhandan.vn/giai-phap-tao-viec-lam-cho-nguoi-khuyet-tat-post745574.html, truy cập ngày 26/9/2023;
- Mai Hoa (2023), Thúc đẩy dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, https://hanoimoi.vn/thuc-day-day-nghe-tao-viec-lam-cho-nguoi-khuyet-tat-18286.html, truy cập ngày 25/9/2023;
- Báo điện tử VTV (2015), 90% doanh nghiệp không ‘mặn mà’ tuyển người khuyết tật, https://vtv.vn/xa-hoi/90-doanh-nghiep-khong-man-ma-tuyen-nguoi-khuyet-tat-20151203221649084.htm, truy cập ngày 25/9/2023.