Chính sách tài khóa góp phần quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế hồi phục và phát triển


Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Tài chính, PGS., TS. Nguyễn Thị Mùi - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của chính sách tài khóa trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn gây ra bởi đại dịch COVID-19, góp phần quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế hồi phục và phát triển.

Phóng viên: Thưa Bà, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 cùng với những căng thẳng địa chính trị đã gây ra những thách thức kinh tế, tài chính nghiêm trọng trên toàn cầu và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế tại các nước. Tại Việt Nam, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, ổn định vĩ mô và cuộc sống cho người dân, nhiều giải pháp đã được ban hành. Xin Bà cho biết những nhận xét của mình về chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua?

PGS., TS. Nguyễn Thị Mùi: Về chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ đã có sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt giữa các công cụ chính sách, đặc biệt chính sách tài khoá phối hợp chặt chẽ, hợp lý và có hiệu quả với chính sách tiền tệ trong việc điều hành cung tiền, tín dụng, lãi suất, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) và nợ công, đã và đang hỗ trợ tích cực cho việc phục ổn kinh tế - xã hội, ổn định vĩ mô.

PGS., TS. Nguyễn Thị Mùi - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
PGS., TS. Nguyễn Thị Mùi - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Tuy nhiên, nếu đánh giá toàn diện thì việc điều hành chính sách cũng cần chú ý hơn đến mức độ ảnh hưởng của chính sách đến từng lĩnh vực của nền kinh tế, từ đó có điều kiện điều chỉnh mức độ, liều lượng cho phù hợp. Mặt khác, cần chú ý đến độ trễ của các chính sách, cũng như tác động không mong muốn của chính sách để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Phóng viên: Bước sang năm 2022, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Trong đó, chính sách tài khóa được nhắc đến như những giải pháp đầu tiên hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bà nhìn nhận như thế nào về vai trò của chính sách tài khóa trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra?

PGS., TS. Nguyễn Thị Mùi: Từ thực tiễn xử lý khủng hoảng trong thời gian qua ở nhiều quốc gia cho thấy, khi mở rộng cung tiền (chính sách tiền tệ) tác động vào nền kinh tế, để kích thích kinh tế phát triển bị hạn chế, thì Chính phủ những quốc gia này chuyển sang sử dụng chính sách tài khoá.

Đặc biệt, để đối phó với các cú sốc về kinh tế, về y tế… thì chính sách tài khóa luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Vai trò của chính sách tài khóa ở Việt Nam trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đề ra có thể tóm gọn ở những điểm sau:

Một là, chính sách tài khóa có vai trò định hướng, điều tiết, thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển. Vừa qua một số cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời như: Chính sách hỗ trợ người dân, DN theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay, giảm phí dịch vụ, giảm tiền điện, nước, cước viễn thông… đã hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Việc an dân và ổn định xã hội luôn được coi là nền tảng rất quan trọng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế đi đôi với kiểm soát dịch bệnh. Chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế đã có tác động lan toả, không chỉ khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh, khuyến khích tiêu dùng, mà còn khuyến khích đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tạo cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chính sách miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, trước mắt có thể ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN nhưng khi giảm thuế, sẽ kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, điều này sẽ tạo cơ sở cho việc tăng thu NSNN trong trung và dài hạn.

Hai là, chính sách tài khóa có vai trò khắc phục những bất lợi do đại dịch COVID-19 gây ra. Đại dịch đã làm cho cầu về một số sản phẩm dịch vụ tiêu dụng thiết yếu bị thiếu hụt nghiêm trọng, trong đó có sản phẩm, dịch vụ của lĩnh vực y tế để bảo vệ sức khoẻ của người dân. Nhiều DN phải đóng cửa, dừng hoạt động, thậm chí giải thể do giãn cách; chuỗi cung ứng bị đứt gãy… Điều này không chỉ tác động đến đời sống của người dân, sản xuất kinh doanh của DN mà còn tác động xấu đến ngành tài chính - ngân hàng.

Đứng trước tình hình này, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa theo hướng mở rộng: tăng chi, giảm thu, trong đó, tăng chi từ NSNN cho lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, nhằm nâng cao năng lực phòng chống dịch cho hệ thống y tế để kiểm soát được dịch, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Đồng thời, thực hiện một số chính sách hỗ trợ người dân dưới nhiều hình thức như: Hỗ trợ tiền thuê nhà; hỗ trợ 2% lãi suất nguồn từ NSNN cho một số đối tượng; tăng chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ gia đình, vừa phục hồi kinh tế, vừa tạo việc làm cho người dân. Nhờ đó, đã giúp người dân ổn định cuộc sống, khuyến khích tiêu dùng. Trong trường hợp này, vai trò của chính sách tài khóa tác động đến cả phía cung và phía cầu, nhằm khắc phục những bất lợi do đại dịch COVID-19 gây ra.

Phóng viên: Trong số các chính sách tài khóa được đề cập đến tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh các chính sách miễn, giảm thuế, rất đáng chú ý còn có các giải pháp chính sách về đầu tư phát triển. Bà nhận xét thế nào về các giải pháp chính sách này?

PGS., TS. Nguyễn Thị Mùi: Việc tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN cho các lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm, đầu tư kết cấu hạ tầng; cải tạo, hiện đại hoá hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng… là các chính sách, giải pháp rất trúng, rất đúng và kịp thời, nên đem lại lợi ích to lớn cả trước mắt và lâu dài cho nền kinh tế.

Đối với những chính sách hỗ trợ việc làm và thu nhập cho người lao động như: hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội; cho vay ưu đãi thuộc các chương trình để đầu tư, xây mới, cải tạo các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo dậy nghề, giải quyết việc làm…, hay hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động… vừa nhằm giữ chân người lao động, thu hút người lao động trở lại nơi làm việc sau gần 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID–19, vừa đảm bảo nguồn nhân lực làm việc trong các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh. Điều này đã và đang giúp nhiều DN hồi phục và bước đầu có sự bứt phá.

Đối với chính sách tăng chi đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng chống thiên tai… đã và đang giúp DN phục hồi; tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, góp phần ổn định đời sống người lao động trong các DN. Cũng nhờ tăng vốn đầu tư từ NSNN đã góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế. Khi nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao, sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của năm 2022 và những năm tiếp theo.

Phóng viên: Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, nhanh chóng đưa các quyết sách của Chính phủ vào cuộc sống, kịp thời hỗ trợ cho DN và người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh. Bà đánh giá thế nào về những động thái của Bộ Tài chính trong triển khai chính sách tài khóa thời gian vừa qua và hiệu quả của sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ?

PGS., TS. Nguyễn Thị Mùi: Nhìn chung sự vào cuộc của Bộ Tài chính là kịp thời, hiệu quả, có tác động mạnh, độ lan toả rộng, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh của DN và ổn định cuộc sống của người lao động. Xung quanh vấn đề này, vẫn có một số ý kiến trái chiều về sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhưng tôi cho rằng: sử dụng vốn NSNN phải đảm bảo tính chặt chẽ, phải đáp ứng các điều kiện tối thiểu. Vì vậy, để triển khai các quyết sách của Chính phủ, cần có thời gian nhất định để nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn đầy đủ, nhằm hạn những rủi ro khi triển khai; cũng như cần đánh giá tác động của các công cụ chính sách đến thu, chi của NSNN. 

Việc giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn từ NSNN được coi là cơ sở quan trọng để hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch COVID-19. Nhưng 8 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt khoảng 39% vốn đầu tư theo kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, một trong những nguyên nhân cơ bản là từ phía chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm hoặc thuê các đơn vị tư vấn không đủ năng lực, không thực sự am hiểu ở lĩnh vực tư vấn, dẫn đến tình trạng lập dự toán không chính xác, thường thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường, hoặc để giá trị dự án đầu tư thấp, dễ được thông qua, để giành quyền quyết định đầu tư về bộ/ngành. Dẫn đến khi thực hiện, đòi hỏi phải bổ sung ngân sách. Vì thế, dự án thường bị bị gián đoạn, kéo dài, chờ phê duyệt bổ sung nguồn vốn.

Những nút thắt này từ các chủ đầu tư – là các bộ/ngành nhưng khi nói đến giải ngân đầu tư công chậm, nhiều ý kiến thường nghĩ rằng khó khăn này từ phía Bộ Tài chính… Theo tôi, để khắc phục điểm nghẽn này, phải có những biện pháp mạnh, ngoài biện pháp chuyển vốn sang bộ khác, ngành khác, thì cần phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, hoặc để các dự án đội vốn do thiếu tách nhiệm trong việc lập và phê duyệt dự toán.

Trong thời gian qua, theo tôi đã có sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, bám sát mục tiêu vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện theo hướng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các DN, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, góp phần đưa nền kinh tế vượt qua những bất ổn, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Phóng viên: Để tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách tài khóa trong phát triển và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, theo Bà, cần chú trọng triển khai nội dung gì?

PGS., TS. Nguyễn Thị Mùi: Để chính sách tài khóa phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc phát triển và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, theo tôi cần phải lưu ý đến mấy vấn đề sau:

Một là, tổ chức triển khai đồng bộ các gói tài chính hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; Tiếp tục rà soát tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh liên quan đến việc triển khai các gói hỗ trợ; Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ/ngành trong việc xử lý những vướng mắc khi triển khai trong thực tiễn. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra để hạn chế sai sót, tiêu cực, lãng phí. Khi phát hiện sai phạm, cần xử lý nghiêm, tạo niềm tin đối với người dân, DN vào cơ chế chính sách đã ban hành.

Hai là, triển khai đồng bộ các công cụ thuế trong chính sách tài khóa. Việc thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế thông qua công cụ chủ yếu là miễn, giảm thuế; gia hạn nộp thuế… là giải pháp cần thiết để hỗ trợ các DN, hộ gia đình phục hồi sản xuất kinh doanh. Nhưng để các công cụ của chính sách tài khóa tác động lớn hơn, mức độ lan toả rộng hơn, rất cần nghiên cứu giảm một vài thuế suất khác đối với một số loại hàng hoá đang chịu loại thuế này. Cụ thể là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.

Ba là, để có nguồn hỗ trợ lớn hơn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nên rà soát số dư của một số Quỹ tài chính ngoài ngân sách chưa được huy động. Bên cạnh đó, cần sử dụng hợp lý tỷ lệ bội chi ngân sách tăng thêm để hỗ trợ có hiệu quả cho Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động phương án đối phó với rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Bốn là, nghiên cứu, đánh giá sâu tác động, ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp của các công cụ chính sách được lựa chọn, để phát huy tối đa các tác động tích cực của chính sách, hạn chế mức thấp nhất tác động không mong muốn của chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Phóng viên: Xin cảm ơn Bà!

PV (t/h)