Vai trò của chính sách tài khóa phục vụ tăng trưởng kinh tế bền vững
Dịch bệnh COVID–19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và các mục tiêu tăngh trưởng kinh tế. Trước thực trạng đó, Việt Nam đã có nhiều chính sách ứng phó với những tác động của đại dịch, trong đó, chính sách tài khóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bài viết này, khái quát cơ sở lý luận và phân tích vai trò của chính sách tài khóa đối với phát triển bền vững.
Năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Thực hiện Kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn.
Đồng thời, trong các năm 2020, 2021 và 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số Nghị quyết, Nghị định và quyết định để thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và UBTVQH.
Chính sách tài khóa trong kinh tế học vĩ mô là chính sách thông qua chế độ thuế và đầu tư công (hay việc sử dụng chi tiêu của chính phủ và thu ngân sách) để tác động đến nền kinh tế. Chính sách tài khóa cùng với chính sách tiền tệ là các chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng, nhằm ổn định và phát triển kinh tế. Khi nền kinh tế đang ở tình trạng suy thoái, nhà nước thực hiện chính sách tài khóa mở rộng (giảm thuế, tăng chi tiêu công). Khi nền kinh tế ở tình trạng lạm phát và có hiện tượng nóng, thì nhà nước thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt (tăng thuế và giảm chi tiêu)
Trong giai đoạn khủng hoảng, chính sách tài khóa được phân thành hai loại: chính sách kích thích tài khóa và cứu trợ tài khóa. Kích thích tài khóa nhằm giúp đảo ngược sự suy thoái bất ngờ của nền kinh tế, chủ yếu nhằm vào phía cầu của nền kinh tế, thông qua việc tăng tổng chi tiêu.
Sự gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh do những biện pháp cách ly xã hội được ban hành trong giai đoạn đại dịchh COVID-19 làm giảm hiệu quả của các chính sách tài khóa. Do DN là nơi tạo ra nhiều việc làm cho nền kinh tế, đồng thời là nơi đưa ra các quyết định đầu tư nhằm cải thiện năng suất và thu nhập.
Vì vậy, nguyên tắc chỉ đạo trong thực hiện chính sách tài khóa cho bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước hết phải là cứu trợ tài khóa để tạm thời giảm bớt gánh nặng của chính phủ về phía cung của nền kinh tế, chủ yếu bao gồm các DN vừa và nhỏ. Chính phủ các nước đã sử dụng chính sách tài khóa bao gồm tăng chi tiêu bổ sung và giảm thuế để phản ứng mạnh mẽ với đại dịch COVID-19. Quy mô của các chính sách tài khóa này là rất lớn.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong đại địch, tổng chính sách tài khóa của các chính phủ trên thế giới đã thực hiện tương đương 12% GDP toàn cầu. và điều này đã góp phần đẩy mức độ nợ công/GDP cao nhất trong thời kỳ phi chiến tranh (Phạm Mạnh Hùng và Trương Hoàng Diệp Hương (2021).
Một trong những quan điểm chủ đạo của việc xây dựng và thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030 là: Cải cách, nâng cao chất lượng thể chế tài chính theo hướng đồng bộ, minh bạch và hội nhập là điều kiện tiên quyết thúc đẩy nền tài chính quốc gia phát triển lành mạnh; Sử dụng đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách khác trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển nhanh, bền vững; Đồng thời, coi trọng việc phát triển đồng bộ, hài hòa các loại thị trường, các khu vực kinh tế và các loại hình DN; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.