Chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường: Tiếp sức cho doanh nghiệp

TS. VŨ NHƯ THĂNG - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài chính

(Tài chính) Năm 2013, kinh tế Việt Nam không chỉ chịu tác động từ kinh tế thế giới được dự báo là tiếp tục diễn biến phức tạp mà còn phải đối diện với những vấn đề nội tại, trong đó nổi lên 2 nút thắt lớn là hàng tồn kho và nợ xấu. Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2013 với những mục tiêu chính là bảo đảm kinh tế vĩ mô kiềm chế lạm phát thấp hơn, đưa tăng trưởng cao hơn năm 2012 đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều gói giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường: Tiếp sức cho doanh nghiệp
Các giải pháp tài chính hỗ trợ sẽ tạo động lực cho các DN vững tin phát triển sản xuất kinh doanh

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước 2013, căn cứ tình hình kinh tế thế giới và trong nước, Bộ Tài chính chủ động đề xuất nhiều giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2013 và những năm tiếp theo.

Đây là gói hỗ trợ đa mục tiêu cho cả đầu vào và đầu ra của sản xuất kinh doanh, cho cả doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng, không những đáp ứng mục tiêu ngắn hạn mà còn hướng đến mục tiêu dài hạn. Nhóm giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) được xem là cú hích quan trọng tiếp thêm động lực giúp cho các DN vững tin phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Một trong những nội dung quan trọng trong các giải pháp hỗ trợ DNVVN là tiếp tục gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và bổ sung việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các DN có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quả 20 tỷ đồng), các DN sử dụng trên 300 lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử: xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Một nội dung đáng chú ý được Bộ Tài chính đưa ra trong gói giải pháp là áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% từ ngày 1/7/2013 đối với DN có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng).

Cùng với các chính sách ưu đãi về thuế, Bộ Tài chính kiến nghị giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất để tiền thuê đất không cao hơn 2 lần tiền thuê đất phải nộp của năm 2010.

Hỗ trợ thị trường bất động sản, giải phóng tồn kho

Cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính cũng đề xuất các giải pháp từng bước phá băng thị trường bất động sản (BĐS), không chỉ giải quyết hàng tồn kho BĐS gắn với xử lý nợ xấu mà còn đẩy mạnh tiêu thụ vật liệu xây dựng, giải quyết khó khăn cho DN và nền kinh tế nói chung.

Cụ thể, gia hạn nộp thuế TNDN cho DN đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở được gia hạn đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở, không phân biệt quy mô DN và số lao động sử dụng; Gia hạn nộp thuế GTGT cho DN đầu tư - kinh doanh nhà ở và DN sản xuất, kinh doanh các mặt hàng: sắt, thép, xi măng, gạch, ngói. Giảm 50% số thuế GTGT đầu ra từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội; Giảm 30% số thuế GTGT đầu ra từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; Áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% từ ngày 1/7/2013 đối với thu nhập từ  đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, các giải pháp tăng cường năng lực tài chính cho Quỹ Dự phòng bảo lãnh tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Quỹ Bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, phát hành trái phiếu được chính phủ bảo lãnh để đầu tư Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14, cho phép một số địa phương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương... góp phần tăng tổng cầu, hỗ trợ và giảm hàng tồn kho cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng và một số lĩnh vực khác.

Tiếp tục tăng cường hỗ trợ khu vực nông nghiệp, nông thôn

Với chính sách giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 sẽ có nhiều hộ gia đình tại khu vực nông thôn có điều kiện tái đầu tư phục vụ sản xuất...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao VDB hỗ trợ cho các DN có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu theo cơ chế vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; và thực hiện xem xét gia hạn thời gian vay vốn đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các nhóm hàng xuất khẩu rau quả, thủy sản.

Cùng với đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ bổ sung tối đa 10.000 tỷ đồng cho chương trình tín dụng đầu tư kiên cổ hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn ngoài số vốn 5.000 tỷ đồng hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 1589/TTg- KTTH ngày 3/10/2012. Đồng thời, mở rộng đối tượng cho vay là các công trình bê tông hóa cầu đường giao thông nông thôn.

Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm

Mặc dù các biện pháp giảm giãn thuế, hỗ trợ thị trường... trước mắt có thể ảnh hưởng đến nguồn thu, song sẽ có tác động tích cực giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Để thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013, chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng sẽ được thực hiện có hiệu quả theo hướng: Tăng cường chỉ đạo công tác thu, quản lý NSNN, chống thất thu, gian lận thuế giảm các khoản nợ đọng thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế; tàng cường giám sát hải quan đối với hàng nhập khẩu. 1% xuất khẩu, tạm nhập tái xuất thông qua cửa khẩu: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế nhằm giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp) sản xuất kinh doanh phát triển.

Tăng cường quản lý chi NSNN theo hướng tiêt kiệm, hiệu quả, đẩy nhanh việc đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công theo hướng tăng cường trách nhiệm tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập để đa dạng hoá, nâng cao chất lượng dịch vụ và quản lý công, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực NSNN; Hoàn thiện, đơn giản hoá hệ thống chính sách đối với các đối tượng an sinh xã hội.

Kết hợp tốt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội.