Chính sách tài khóa, tiền tệ hết sức cấp thiết trước tác động nặng nề của đại dịch COVID-19

Việt Hoàng (T/h)

Ngày 07/01/2022, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thảo luận nội dung này, các đại biểu Quốc hội đều có chung quan điểm rằng, đây là những chính sách rất cấp thiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn trước tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đặt ra những nội dung trọng tâm cần được bàn thảo kỹ lưỡng và tập trung, đó là: Các nhóm giải pháp về tài khóa tiền tệ đã đảm bảo mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và đã có đánh giá tác động đầy đủ hay chưa; Quy mô gói hỗ trợ chính sách tài khóa, mức bội chi, khả năng huy động, khả năng giải ngân, quy mô, mức độ các chính sách thuế đề nghị miễn, giảm hoãn, các nội dung chi đã đảm bảo trọng tâm, tối ưu hóa nguồn lực, đảm bảo khả năng hấp thụ và triển khai chủ yếu trong năm 2022-2023 hay không...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội thảo luận cho ý kiến về các nội dung trên; đồng thời, cần lưu ý về một số vấn đề như: quy mô, mức độ gói hỗ trợ chính sách tiền tệ đã rõ ràng, đủ lớn, đã được đánh giá tác động đầy đủ hay chưa; các giải pháp đã cụ thể, có đảm bảo để thực thi, gắn kết đồng bộ với chính sách tài khóa tiền tệ hay không; Phương án huy động đã bao quát hết nguồn lực, đảm bảo tiết kiệm, khả thi, đảm bảo các cân đối vĩ mô hay chưa...?

Thảo luận nội dung này, các đại biểu Quốc hội có cùng quan điểm khi cho rằng, đây là những chính sách rất cấp thiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn trước những tác động hết sức nặng nề đối với nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội 
Các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội 

Góp ý kiến về dự thảo này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh, Đề án trình Quốc hội lần này hết sức đúng đắn. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, Chương trình sẽ đạt hiệu quả thực tế khi trả lời được câu hỏi với hơn 346.000 tỷ đồng chương trình sẽ giải quyết được những vấn đề cấp thiết hiện nay. Do vậy, Chương trình cần quy định rõ hiệu quả nguồn lực, hiệu quả đầu ra, đồng thời cần có cam kết về kết quả đạt được để đánh giá hiệu quả.

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng kiến nghị cần bổ sung căn cứ nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để phân bổ đầu tư nguồn lực tương ứng với từng gói chính sách. Về danh mục dự án, đại biểu đề nghị tập trung vào 2 lĩnh vực cụ thể, gồm những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch và những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất.

Cùng quan điểm, từ điểm cầu Bắc Ninh, đại biểu Trần Thị Vân - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, đây là giải pháp rất phù hợp để hỗ trợ những đối tượng yếu thế, thực hiện gói hỗ trợ qua Ngân hàng Chính sách việc giải ngân sẽ nhanh và đến được nhiều đối tượng thụ hưởng hơn.

Cho ý kiến về tính cấp thiết ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp lần này là hết sức cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo đại biểu này, năm 2020-2021 do tác động của dịch COVID-19 tình hình sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ gặp nhiều khó khăn; nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức về ổn định vĩ mô, lạm phát; chi phí đầu vào gia tăng; chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy; nảy sinh các vấn đề về lao động, việc làm, an sinh, an ninh và trật tự an toàn xã hội... đã ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh đó, các chính sách được đưa ra trong Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất rõ ràng, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, đối tượng thụ hưởng rộng, bao quát, cụ thể hơn.

Liên quan đến nội dung cụ thể được bàn thảo tại phiên họp về Dự thảo Nghị quyết, đại biểu cũng đặc biệt quan tâm với nhóm giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Giải pháp cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên, cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Đối với chính sách hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động thông qua doanh nghiệp đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và chính sách hỗ trợ đối với người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét chủ trương hỗ trợ tiền thuê nhà trọ đối với cả lao động tự do vì thực tế đối tượng này cũng rất khó khăn và họ cũng cần phải thuê nhà trọ.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, cần đánh giá và rút kinh nghiệm các đợt hỗ trợ trước để xác định đúng đối tượng, tránh chi sai đối tượng, lạm dụng chính sách. Đại biểu đề xuất thực hiện cùng một mức hỗ trợ chung cho cả người lao động đang làm việc và người lao động quay trở lại thị trường lao động đồng thời nâng mức hỗ trợ nếu có thể.

Từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, với việc trình gói hỗ trợ này, Chính phủ đã vào cuộc hết sức kịp thời. Chính sách tài khóa và tiền tệ đầy ý nghĩa nhân văn này hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát dịch bệnh và an dân. 

Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, chính sách miễn, giảm thuế được trình trong dự thảo Nghị quyết là phù hợp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích phát triển kinh tế, giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần phải quy định rõ đối tượng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ, có bao gồm cả doanh nghiệp FDI hay không và cần quy định cụ thể hơn, ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có sức lan tỏa.

Về chi ngân sách cho phòng, chống dịch, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị tăng chi cho chương trình phòng, chống dịch, trang thiết bị ngành Y tế, hỗ trợ chính sách tăng thu nhập cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, thống nhất việc hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng phải quy định chặt chẽ, tránh để mất vốn...