Chính sách thuế đối với chi phí cho hoạt động từ thiện
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ Tài chính đã nhận được nhiều kiến nghị về cơ chế chính sách thuế, trong đó có nội dung liên quan chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí cho hoạt động từ thiện.
Trong kiến nghị gửi đến Bộ Tài chính, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế gồm: Chi ủng hộ địa phương; chi ủng hộ các đoàn thể, tổ chức xã hội; chi từ thiện (trừ khoản chi tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai, làm nhà tình nghĩa, làm nhà cho người nghèo, làm nhà đại đoàn kết; tài trợ cho nghiên cứu khoa học…)
Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, doanh nghiệp cùng với địa phương chia sẻ các hoạt động từ thiện đóng góp tích cực vào đời sống xã hội dân sinh nhưng các khoản đóng góp này chưa được khấu trừ thuế TNDN. Để tranh thủ được sự hưởng ứng của doanh nghiệp tham gia làm tại các công trình từ thiện, góp phần vào việc nâng cao đời sống vật chất của người dân, đặc biệt là người dân ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa (làm cầu, đường, bể nước sạch).
Theo đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phép doanh nghiệp được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc miễn giảm thuế đối với chi phí cho hoạt động từ thiện.
Trả lời kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật thuế TNDN quy định: Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam được miễn thuế TNDN. Điểm n khoản 2 Điều 9 Luật thuế TNDN quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN gồm: Khoản tài trợ, trừ khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai, làm nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà cho các đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật, khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, pháp luật thuế TNDN cũng có nhiều quy định ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội như: Miễn thuế đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có từ 30% số lao động bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội. Doanh nghiệp sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế TNDN bằng số chi thêm cho lao động nữ.
Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa (XHH) giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường được ưu đãi ở mức cao như: Áp dụng thuế suất 10% đối với phần thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động XHH; Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo tùy địa bàn đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực XHH; Miễn thuế đối với phần thu nhập không chia của cơ sở XHH trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế và lĩnh vực XHH khác để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó.
Bên cạnh đó, ngày 9/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã đưa ra mục tiêu từng bước cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước. Đồng thời đưa ra giải pháp để đạt được mục tiêu nêu trên là thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng; Rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế.
Ngày 18/11/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó, đề ra mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, Nghị quyết cũng đưa ra một trong các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu nêu trên là tập trung cơ cấu lại nguồn thu; Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; Tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý.
Như vậy, Luật thuế TNDN hiện hành đã có quy định ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội.