Ưu tiên về lãi suất cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Bộ Tài chính vừa có ý kiến trả lời cử tri tỉnh Hòa Bình về kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến nguồn vốn vay, đặc biệt cần có chính sách ưu tiên lãi suất cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Bộ Tài chính cho biết, trong những năm qua các chương trình tín dụng ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được Đảng, Nhà nước xác định mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán, xuyên suốt và luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho mục tiêu này.
Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang triển khai gần 20 chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các đối tượng chính sách, tập trung chủ yếu vào các chương trình như: Cho vay hộ nghèo; Cho vay hộ cận nghèo; Cho vay học sinh, sinh viên; Cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; Cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; Cho vay hộ mới thoát nghèo; Cho vay hộ nghèo về nhà ở và cho vay giải quyết việc làm.
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2016 vừa qua, tăng trưởng tín dụng bình quân của NHCSXH đạt khoảng 10%/năm và đến ngày 30/6/2017, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt 166.426 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã đến với người nghèo và các đối tượng thụ hưởng chính sách ở 100% các xã, phường trên toàn quốc, qua đó đáp ứng được cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông qua việc tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách được Chính phủ giao, hoạt động của NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở nước ta thời gian qua.
Trong thời gian tới, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Chính phủ sẽ tiếp tục dành một nguồn vốn lớn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đặc biệt, với chính sách ưu tiên lãi suất cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo, tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo:
Tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi về lãi suất phù hợp với khả năng tài chính của Nhà nước và của đối tượng vay vốn trong từng thời kỳ. Mức độ ưu đãi về lãi suất phân biệt theo các nhóm đối tượng thụ hưởng, sẽ giảm dần và được thay thế bằng các hình thức ưu đãi về qui trình, thủ tục và điều kiện vay vốn. Mức ưu đãi cao nhất dành cho hộ đồng bào dân tộc nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn. Đối với hộ không thuộc diện hộ nghèo nhưng được hưởng một số chính sách tín dụng ưu đãi, hộ cận nghèo thì lãi suất tiếp cận dần với lãi suất thị trường.
Thêm vào đó, triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và Quyết định số 852/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các mức lãi suất cho vay hiện nay được áp dụng cho các đối tượng như sau: Đối với hộ nghèo là 6,6%/năm; Lãi suất cho vay đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ, hiện nay là 3,3%/năm.
Lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định tại Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo bằng 120% lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ, hiện nay là 7,92%/năm.
Các mức lãi suất trên đều thấp hơn so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên trên thị trường hiện nay (9-10,5%/năm).
Để triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi nêu trên, trong giai đoạn 2011-2016, ngoài việc bố trí nguồn vốn, hàng năm ngân sách nhà nước đã bố trí bình quân khoảng gần 2.300 tỷ đồng/năm để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho NHCSXH.
Điều đó đồng nghĩa với việc các chính sách ưu tiên về lãi suất nêu trên đã thể hiện rõ sự hỗ trợ, quan tâm rất lớn của Nhà nước đối với đối tượng người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn.