Chính sách thuế đối với hoạt động góp vốn của doanh nghiệp

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Bộ Tài chính vừa có công văn số 16200/BTC-TCT hướng dẫn về hạch toán kế toán và chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động góp vốn trong doanh nghiệp không phải là công ty cổ phần.

Chính sách thuế đối với hoạt động góp vốn của doanh nghiệp
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo Bộ Tài chính, khi doanh nghiệp (DN) thực hiện tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới, có thể phát sinh trường hợp số tiền thành viên góp vốn mới bỏ ra cao hơn giá trị phần vốn góp của thành viên đó trong tổng số vốn điều lệ của DN.

Nếu khoản chênh lệch cao hơn giữa số tiền thành viên góp vốn mới phải bỏ ra so với giá trị vốn góp của thành viên đó được các thành viên góp vốn của DN thỏa thuận xác định là thuộc sở hữu chung của DN nhận vốn góp thì hạch toán vào tài khoản vốn khác (tài khoản 4118) trong nguồn vốn kinh doanh của DN, không tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp của DN nhận vốn góp.

Nếu các bên thỏa thuận khoản chênh lệch cao hơn nêu trên thuộc sở hữu riêng của một hoặc một số thành viên góp vốn cũ trong DN, không bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp thì khoản chênh lệch này là thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, thành viên góp vốn cũ nào có thu nhập phải kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Bộ Tài chính đơn cử: Công ty TNHH A có vốn điều lệ ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 100 tỷ đồng với 2 thành viên góp vốn ban đầu là tổ chức X và cá nhân Y, mỗi thành viên sở hữu 50% vốn điều lệ (tương ứng là 50 tỷ đồng).

Sau 5 năm hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, Công ty quyết định tăng vốn điều lệ thành 160 tỷ đồng, đồng thời tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới Z sở hữu 20% vốn điều lệ mới (tương ứng là 32 tỷ đồng) và tỷ lệ vốn góp trong vốn điều lệ tương ứng của các thành viên là: X chiếm 40%, Y chiếm 40% và Z chiếm 20%. Để được sở hữu 20% vốn điều lệ trong Công ty, theo thỏa thuận giữa các thành viên thì thành viên Z phải chi trả 40 tỷ đồng.

Trường hợp khoản chênh lệch 8 tỷ đồng (= 40 tỷ đồng - 32 tỷ đồng) được các bên thỏa thuận là sở hữu chung của Công ty A (của tất cả 3 thành viên X, Y, Z) và bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh thì không tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty A.

Trường hợp khoản chênh lệch 8 tỷ đồng nêu trên được các bên thỏa thuận là thuộc sở hữu của 2 thành viên góp vốn ban đầu thì thành viên là tổ chức (X) phải kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thành viên là cá nhân (Y) phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định đối với hoạt động chuyển nhượng vốn.