Chính sách thuế - hải quan: Minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế
Tại Diễn đàn Thuế - Hải quan 2021 với chủ đề “Chính sách thuế - hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp (DN)” do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức sáng 15/12, lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã giới thiệu, phân tích, trao đổi về các cơ chế, chính sách thuế, hải quan mới liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đồng thời, tiếp nhận những ý kiến, đóng góp của các DN trong quá trình thực thi chính sách pháp luật thuế, hải quan để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Vũ Xuân Bách nhấn mạnh, năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến các mặt của đời sống, kinh tế - xã hội trên cả nước. Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Tổng cục Thuế đã tham mưu trình Bộ Tài chính ban hành nhiều chính sách, triển khai các giải pháp về quản lý thuế để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Cụ thể, ngành Thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021 cho các DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19.
Thống kê cho thấy, tính đến ngày 23/11/2021, ngành Thuế đã tiếp nhận và giải quyết gia hạn thời hạn nộp thuế cho gần 140.000 người nộp thuế. Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP là trên 92.000 tỷ đồng.
Về chính sách miễn, giảm thuế, ngành Thuế đã tham mưu với Bộ Tài chính trình các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành quan tâm phối hợp chỉ đạo một số công việc trọng tâm như: triển khai các biện pháp để người tiêu dùng được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế GTGT; Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế GTGT...
Để hỗ trợ cho các DN có thêm nguồn lực chống dịch, Tổng cục Thuế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng trong năm 2020 và 2021; đồng thời, Tổng cục Thuế cũng đã có văn bản hướng dẫn. Dự kiến khi xây dựng chính sách thì tổng số thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm trong năm 2021 theo các chính sách nêu trên là khoảng 23.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 về việc giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 áp dụng kể từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021; Trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19...
Cùng với việc thực hiện chính sách thuế, Tổng cục Thuế cũng đã đẩy mạnh cải cách công tác quản lý thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Điển hình, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính triển khai thí điểm việc áp dụng hệ thống hóa đơn điện tử theo Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020 và Thông tư số 78/2021/TT-BTC tại 6 tỉnh là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định. Việc triển khai thí điểm tại 6 địa phương sẽ là tiền đề cho triển khai trong cả nước từ 1/7/2022.
Hiện nay, hệ thống hóa đơn điện tử đang được đánh giá đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, giảm chi phí cũng như giúp cho công tác quản lý thuế nói riêng và công tác quản lý của các cơ quan có liên quan được nhanh chóng, thuận lợi trong bối cảnh dịch COVID-19.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế; tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Cùng với đó, ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác như hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá công tác quản lý thuế nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và DN để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tại diễn đàn, Tổng cục Thuế mong nhận được các phản hồi từ phía cộng đồng DN về chính sách và thủ tục hành chính thuế, nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện chính sách theo hướng ngày càng minh bạch, cụ thể hơn, giúp người nộp thuế thực hiện chính sách thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện.
Tại diễn đàn, các nhà kinh tế, nhà quản lý đến từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã giới thiệu, phân tích, bình luận về các cơ chế, chính sách thuế, hải quan mới liên quan đến hoạt động của DN, đồng thời tiếp nhận những ý kiến, đóng góp của các DN trong quá trình thực thi chính sách pháp luật thuế, hải quan.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan Mai Xuân Thành, trước tác động của dịch COVID-19, ngành Hải quan sẽ triển khai mô hình quản lý biên giới tích hợp nhằm giảm yêu cầu tham gia trực tiếp của công chức hải quan.
Song song với đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới như: Công ước về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan; Khung tiêu chuẩn về an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu… đảm bảo hàng hóa được thông quan, giải phóng nhanh chóng, giảm chi phí cho DN.
Các thủ tục hành chính của các bộ, ngành có liên quan như: cấp phép, kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan sẽ được chuẩn hóa, số hóa dữ liệu và được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, phi giấy tờ.
Ngành Hải quan cũng sẽ thiết lập môi trường dịch vụ số thân thiện, dễ dàng tiếp cận, có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện, linh hoạt. Từ đó, có thể đáp ứng sự thay đổi về quy định và chính sách, đảm bảo sự liền mạch, không đứt gãy trong hoạt động thương mại...