Chính sách tiền tệ đang bị hạn chế do nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng

Theo kinhtevadubao.com.vn

Với diễn biến lạm phát thuận lợi từ hơn 1 năm qua, Ngân hàng Nhà nước chủ động hạ dần mặt bằng lãi suất với các lãi suất chủ chốt nhằm bơm thêm cung tiền để kích thích sức cầu nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ đang bị hạn chế do nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong 6 tháng đầu năm mặt bằng lãi suất liên tục giảm, các lãi suất chủ chốt như: lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn hiện chỉ còn 5% và 7%. Đường cong lãi suất đã dần được đưa về dạng chuẩn theo các kỳ hạn.

Hiện nay trần lãi suất huy động chỉ còn áp dụng đối với kỳ hạn 6 tháng và hạ xuống còn 7%. Lãi suất huy động VND do đó đã giảm khoảng 2-3% so với cuối năm 2012. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng giảm khoảng 3-4%/năm và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Lãi suất cho vay các khoản trung dài hạn các dự án tốt chỉ còn 12-13%, các dự án ưu tiên chỉ còn 8-9%. Lãi suất các khoản vay cũ cũng được tích cực điều chỉnh giảm.

Trong nỗ lực bơm tiền vào nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng, tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng đạt 4,5% và tăng trưởng cung tiền M2 ước đạt 7,3% so với đầu năm (ytd) và đạt khoảng 25% so với cùng kỳ (yoy). Mặc dù lãi suất đã giảm, tăng trưởng tín dụng thực tế trong 6 tháng đầu năm tăng nhanh trong các tháng gần đây, song tổng thể cũng chỉ đạt 4,5%. Xung quanh con số 4,5% này còn có những lo ngại khác như bao nhiêu phần trăm tăng tín dụng đó là do gia hạn nợ, đảo nợ?

Tuy nhiên, tình trạng gia hạn hay đảo nợ cũng không dễ thực hiện trong tình hình hiện nay (chủ yếu là kéo dài thời gian trả nợ) và xảy ra chủ yếu với các ngân hàng nhỏ. Cũng không thể phủ nhận thực tế là khi VAMC thành lập và đi vào hoạt động, các ngân hàng không muốn bán nợ xấu cho VAMC sẽ có động cơ che giấu nợ xấu bằng việc đảo nợ, gia hạn nợ nói trên.

Có một số nguyên nhân gây nên khó khăn trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngân hàng dù lãi suất đã giảm.

Một là, sức cầu nền kinh tế quá yếu khiến nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tốt đã giảm đi phần lớn, trong khi các ngân hàng trở nên thận trọng hơn với các doanh nghiệp còn lại do lo ngại rủi ro.

Hai là
, các ngân hàng cũng tích cực thu hồi nợ và dư nợ ngoại tệ giảm mạnh do chính sách chống đô la hóa đã phát huy tác dụng mạnh mẽ, khiến cho 2 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm. Ngoài ra, với thanh khoản dồi dào nhưng các ngân hàng nay có thêm sự lựa chọn là nguồn cung trái phiếu chính phủ lớn nên không cần quá mặn mà với việc đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp.

Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước với mục tiêu hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm được dự đoán cũng sẽ gặp những hạn chế nhất định. Cho dù lãi suất đã hạ rất thấp, thanh khoản dồi dào nhưng dòng chảy tín dụng đến doanh nghiệp cũng rất khó khăn do các ngân hàng đang phải giải quyết nợ xấu.

Tâm lý vẫn dè dặt và thiên về thận trọng hơn trong cho vay cho nên tín dụng do vậy sẽ vẫn ì ạch để tăng trưởng. Để nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ, tập trung đẩy mạnh tốc độ tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu là những bước đi cấp thiết dù có đau đớn trước khi Việt Nam có thể hi vọng vào một sự phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại ở mức > 6%.