Chính sách tiền tệ đi vào thực dụng
Năm 2018, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp 14%, dù tăng trưởng kinh tế đạt mức tăng cao nhất 7,08% trong 11 năm trở lại đây.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh doanh cho rằng, đây là tiền đề để có được chính sách tiền tệ độc lập trong dài hạn. Nền tảng này cộng với những thay đổi về chất của ngành NH những năm gần đây, là cơ sở để thực hiện lộ trình quản lý rủi ro ngành NH theo chuẩn mực quốc tế.
Bước thay đổi lớn về chính sách tiền tệ
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2018?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Năm 2018 có bước chuyển biến rất quan trọng trong kinh tế vĩ mô. Việt Nam đã không còn chạy theo tăng trưởng mà bắt đầu giám sát chặt chẽ tăng trưởng tiền tệ và giám sát chặt chẽ kỷ luật ngân sách.
Chính vì vậy đã tạo ra tổng phương tiện thanh toán (M2) và mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đúng như khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). NHNN cũng đưa ra thông điệp với nhà đầu tư trong nước và quốc tế việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, cũng như tốc độ tăng trưởng M2 sẽ phải chuyên nghiệp và là vấn đề dài hạn.
Thực tế sau nhiều năm chúng ta nói đến chất lượng tăng trưởng, nhưng nay đã có hành động cụ thể để thực hiện. Theo đó, không sử dụng tín dụng và tỷ giá hối đoái dễ dãi để khuyến khích phát triển doanh nghiệp (DN), khuyến khích xuất khẩu, để sau đó phải gánh chịu những hậu quả của kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, NHNN đưa ra thông điệp của Chính phủ, nghĩa là chúng ta phải đoạn tuyệt dần với tăng trưởng kinh tế vĩ mô chất lượng thấp, chú trọng đảm bảo ổn định định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cho tăng trưởng bền vững lâu dài.
Điều hành chính sách tiền tệ còn chứa một thông điệp nữa, đó là NHNN muốn đưa ra cho các tổ chức tín dụng (TCTD), các NHTM từ nay có thể bỏ hạn mức tín dụng đối với từng NH. Rất có thể tới đây, NHNN sẽ đưa ra mức tín dụng chung cho toàn NH, còn từng NH phải dựa vào năng lực vốn tự có của mình để được phép tăng trưởng tín dụng đến mức nào.
Hoặc dựa vào hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR), NH nào có hệ số CAR tốt sẽ được phép tăng trưởng tín dụng và ngược lại. Nghĩa là, NHNN có thể khống chế bằng những chỉ tiêu trên, khách quan hơn và tránh được tính hành chính. Những thông điệp chính sách tiền tệ năm nay đưa ra hoàn toàn có ý đồ, phản ánh bước thay đổi rất lớn về chính sách tiền tệ của Chính phủ và NHNN.
Số hóa dịch vụ NH, giảm thiểu chi phí
Với định hướng chính sách tiền tệ như vậy, dự báo của ông về bức tranh ngành NH năm 2019 và các năm sau?
Bức tranh NH từ năm ngoái đến nay đã có sự cải thiện đáng kể. Cụ thể, năm 2014-2015, lãi ròng trên vốn tự có của NH bằng phân nửa hiện tại, lãi ròng trên tổng tài sản cũng vậy, đạt mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2018, các chỉ tiêu tài chính được nâng lên ngang bằng với khu vực Đông Nam Á. Lãi ròng trên vốn tự có hiện nay của Việt Nam khoảng 14-15% và lãi ròng trên tổng tài sản cũng tăng lên xấp xỉ 1%, đạt chuẩn của khu vực.
Bước tiến bộ này đến từ nhiều lý do như quản trị, tiết kiệm chi phí, và một lý do quan trọng là ngành NH xử lý được nhiều nợ xấu nhờ Nghị quyết 42 của Quốc hội. Nếu cải tiến thêm về các phương thức xử lý nợ xấu, ngành NH có thể đạt được những kết quả cao hơn. Mặc dù năm qua có nhiều vụ án lớn trong ngành NH khiến nhiều người hoang mang, nhưng những NH đó đang được khoanh lại, còn những NH tốt vẫn tiếp tục phát triển đi lên.
Điều hành chính sách tiền tệ là chiến lược lâu dài của Chính phủ, của NHNN. Bởi nhiều rủi ro bên ngoài và bên trong có thể ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, nên giám sát chặt chẽ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa được đặt ra, nhằm chấm dứt giai đoạn tăng trưởng phập phù. Kinh tế Việt Nam buộc phải đi vào công nghệ, không thể trông cậy mãi vào tín dụng, vào các hỗ trợ theo kiểu trào lưu chính sách.
2019 là năm NHNN bắt đầu thực hiện lộ trình quản lý rủi ro theo Basel II, tức có những yêu cầu ngặt nghèo hơn về vốn tự có, khắt khe hơn về quản trị. Chẳng hạn, kiên quyết loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, tình trạng gian lận mạng, gian lận thanh toán gây hoang mang cho người gửi tiền; khuyến khích các NHTM phát triển mạnh về công nghệ, trên nền tảng công nghệ mới sẽ phát triển những dịch vụ mới.
Theo đó, những dịch vụ như NH điện tử, mobile banking, internet banking, NH số là xu thế sẽ mở ra cho khu vực NH triển vọng phát triển bền vững hơn, vừa giảm thiểu chi phí. Bởi khi số hóa sẽ giảm thiểu nhiều nhân lực, vừa tạo điều kiện cho khu vực NH giảm được nợ xấu, tăng được khả năng sinh lời, hướng tới một hệ thống NH lành mạnh.
Khi ngành NH đi theo định hướng nói trên, Chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ gì giúp DN phát triển để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng bền vững, thưa ông?
Bệ đỡ quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 vẫn tiếp tục duy trì được tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Đồng thời, khu vực nông nghiệp tăng trưởng rất tốt, đạt tới 3,4%, trong đó xuất khẩu nông sản cao cực điểm, đạt trên 40 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên nông nghiệp Việt Nam đạt được tiến bộ lớn như vậy.
Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh cũng đạt được kết quả nhất định. Theo đó, dù Việt Nam bị hạ 1 điểm về việc này, nhưng trên thực tế việc thành lập DN đã thuận lợi hơn, các điều kiện về vay vốn NH cũng đỡ khắt khe hơn.
Đó là xu thế tạo ra trào lưu cải thiện tinh thần kinh doanh của DN Việt trong thời gian vừa qua. Nếu chúng ta làm tốt được những việc khác nữa, có thể kỳ vọng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước sẽ bền vững hơn.
Gỡ vướng cho DN khởi nghiệp
Nhưng thưa ông nhiều DN khởi nghiệp vẫn than phiền khó tiếp cận vốn?
Đúng là hiện nay nhiều DN muốn khởi nghiệp tại Việt Nam nhưng lại bế tắc về vốn. Do chưa có chính sách phát hành trái phiếu để DN khởi nghiệp huy động vốn, nhiều DN đã mở khởi nghiệp ở Singapore. Hay Chính phủ có 2 quỹ rất lớn là quỹ phát triển DNNVV và quỹ phát triển khoa học công nghệ, nhưng nguồn lực rất yếu, quy chế khắt khe không khác gì vay NH.
Điều này khiến DN khởi nghiệp không có điều kiện tiếp xúc với quỹ đó, nhất là quỹ phát triển khoa học công nghệ, dẫn đến nhiều DN khởi nghiệp thất bại do không có lượng vốn cần thiết. Họ không cần nhiều nhưng ít nhất phải có vài ba tỷ đồng để thực thi ý tưởng kinh doanh. Đó là những điểm còn rất hạn chế cần tháo gỡ.
Động lực dài hạn của tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam vẫn là nông nghiệp và dịch vụ. Còn công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phần lớn do FDI tạo ra nên rất phập phù, không thể xem đó là động lực được. Một động lực khác là kinh tế Việt Nam thu nhập bình quân đầu người đã khá cao, tạo ra động lực nữa là cầu tiêu dùng, tức phát triển thị trường nội địa và tăng trưởng tiêu dùng, dân cư sẽ tạo ra sức bật mới cho tăng trưởng.
Mặc dù chúng ta đã nghiên cứu rất nhiều kinh nghiệm quốc tế về phát triển DN khởi nghiệp, nhưng khi làm rất lúng túng. Chẳng hạn ở Mỹ có Bộ Phát triển DN siêu nhỏ đứng ra bảo lãnh cho DN siêu nhỏ vay vô điều kiện, chịu trách nhiệm đào tạo DN siêu nhỏ về marketing, về tài chính, quản lý DN, quản lý nhân sự. Họ tự đi vay NH và Chính phủ bảo lãnh. Nếu DN do đàn ông làm chủ được bảo lãnh 55% (tức là nếu mất tiền Chính phủ đền 55%), còn DN do phụ nữ làm chủ được bảo lãnh 80%. Các NH nước ngoài cứ theo chính sách đó để cho vay.
Tôi cũng đã sang Mỹ khảo sát vấn đề này. Ông Bộ trưởng Bộ Phát triển DN siêu nhỏ nói với tôi rằng, họ rất thích DN Việt Nam khởi nghiệp ở Mỹ vì DN Việt Nam có những ý tưởng kinh doanh rất sáng tạo. Họ tính bình quân mỗi DN Việt Nam khởi nghiệp ở Mỹ chỉ cần 11.000USD đã tạo được việc làm mới. Trong khi nếu DN Mỹ phải mất 33.000USD mới tạo được một việc làm mới. Do đó họ thích ý tưởng kinh doanh của DN Việt Nam.