Chính sách tiền tệ sau khủng hoảng: Kiểm soát lãi suất (P1)
(Tài chính) Chính sách tiền tệ bất thường được chia thành 2 loại: mua tài sản và đưa ra những mục tiêu cụ thể. Nằm trong chuỗi bài viết của Economist đưa ra năm bài học có thể được rút ra từ sự kiện gây chấn động kinh tế thế giới trong suốt mấy năm qua, bài báo này đi sâu vào phân tích phản ứng của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) đối với khủng hoảng tài chính. Hai phần trước đã tập trung vào vấn đề nguyên nhân của khủng hoảng và tác động của nợ tới khủng hoảng.
Trước khủng hoảng tài chính, cuộc sống của các Thống đốc NHTW thật giản đơn. Họ có một mục tiêu rõ ràng: duy trì lạm phát ở mức thấp và ổn định. Họ có một công cụ [có vẻ như hiệu quả] để đạt được điều này: tăng lãi suất ngắn hạn chủ chốt để hạn chế đi vay (nhằm giảm lạm phát) hoặc giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng tín dụng (thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm).
Công cụ này được sử dụng một cách khéo léo, giúp thế giới trải qua vài thập kỷ “êm đềm” được các nhà kinh tế học gọi là thời kỳ “ôn hòa vĩ đại” (Great Moderation). Tuy nhiên, thời kỳ ấy chỉ tồn tại trong chốc lát. Tồi tệ hơn, cuộc khủng hoảng chấm dứt thời kỳ này không chỉ làm xói mòn nhũng gì các NHTW đã đạt được mà còn ảnh hưởng đến cả những biện pháp vốn được tận dụng để thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách tiền tệ không còn hiệu quả kể từ thời kỳ này.
Cuộc suy thoái đồng hành với khủng hoảng tín dụng mùa thu năm 2008 đã giáng một đòn mạnh vào lực cầu. Đáp lại, các NHTW ở các nước phát triển liên tục giảm lãi suất cơ bản. Đến đầu năm 2009, rất nhiều nước có lãi suất cơ bản ở mức gần 0.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn ở trong trạng thái yếu ớt. Kể cả lãi suất xuống mức dưới 0 cũng không thể giúp ích. Các NHTW đối mặt với thảm họa: sản lượng sụt giảm nghiêm trọng và thất nghiệp tăng cao.
Không phải là các NHTW hoàn toàn không chuẩn bị để đối phó với thử thách. Trong những năm 1990, nền kinh tế Nhật Bản suy thoái sau khi giá tài sản lao dốc. Đối mặt với tăng trưởng èo uột và giảm phát, NHTW Nhật đã giảm lãi suất xuống gần 0 trước khi thử nghiệm một loạt công cụ chính sách tiền tệ bất thường.
Mặc dù NHTW Nhật Bản được đánh giá là gây nhiều thất vọng (thậm chí là thất bại ngay lập tức), các NHTW ở nhiều nước phát triển bắt đầu thực hiện chính sách tương tự.
Chính sách tiền tệ bất thường được chia thành 2 loại: mua tài sản và đưa ra những mục tiêu cụ thể.
Mua tài sản
Mua tài sản là việc mở rộng những hoạt động đặc biệt của NHTW. Ví dụ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lâu nay đã mua trái phiếu Kho bạc và các loại trái phiếu khác với thời hạn ngắn để tăng cung tiền và giảm lãi suất dài hạn. Sau khi lãi suất cơ bản giảm xuống mức gần 0, Fed bắt đầu mua những loại tài sản dài hạn hơn, trong đó có trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp, với mục đích làm giảm chi phí đi vay dài hạn.
In tiền để mua tài sản được gọi là “nới lỏng định lượng” (QE) bởi các NHTW thường thông báo kế hoạch mua bằng cách nêu lượng tăng lên trong dự trữ. NHTW Nhật Bản đã lần đầu tiên áp dụng QE vào năm 2001, khi cam kết mua 400 tỷ yên trái phiếu chính phủ trong 1 tháng để tăng lượng dự trữ lên 5.000 tỷ yên. Các NHTW Mỹ, Anh và Nhật Bản đều áp dụng QE kể từ khi khủng hoảng nổ ra, mua lượng lớn các tài sản tài chính (chart 2).
Các nhà kinh tế học thừa nhận QE chỉ hiệu quả theo một vài cách. Các NHTW nhấn mạnh “hiệu ứng cân bằng danh mục”. Khi một NHTW mua trái phiếu từ nhà đầu tư với tiền mới được tạo ra, họ sử dụng quá trình này để tái cân bằng danh mục bằng cách mua các tài sản với độ rủi ro và kỳ hạn khác nhau. Như vậy, giá tài sản tăng lên và lãi suất giảm xuống. Chi phí đi vay thấp hơn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và hộ gia đình đầu tư.
QE cũng có thể kích thích nền kinh tế thông qua hiệu ứng về tài khóa: lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí đi vay của chính phủ và do đó giảm thuế. QE cũng giúp hình thành kỳ vọng về lạm phát. Khi thông báo mục tiêu lạm phát cao hơn, NHTW có thể sử dụng QE để thuyết phục các thị trường rằng nó sẽ đạt được mục tiêu này bởi in thêm tiền sẽ tạo nên lạm phát. Cho rằng đồng tiền sẽ mất giá trong tương lai, người dân có động lực để chi tiêu nhiều hơn ở thời điểm hiện tại.
Chỉ dẫn trước
Trong khi đó, đặt ra các mục tiêu (Forward guidance) là nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế bằng cách đưa ra các chỉ báo rõ ràng hơn về chính sách trong tương lai. Nhật bản cũng là nước đầu tiên triển khai biện pháp này vào năm 1999, khi NHTW nước này cam kết sẽ giữ lãi suất ở mức gần 0 cho đến khi nỗi lo về giảm phát nguôi ngoai. Fed và NHTW Anh cũng tiếp cận phương pháp này. Đầu năm 2009, Fed khẳng định lãi suất sẽ tiếp tục ở mức thấp trong một thời gian dài. Tháng 8/2011, Fed bổ sung thêm thời hạn “ít nhất là đến giữa năm 2013”.
Tháng 12/2012, Fed lại điều chỉnh một lần nữa khi thông báo lãi suất vẫn ở mức thấp cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,5% và lạm phát kỳ vọng trong ngắn hạn ngắn hạn không lớn hơn 2,5%. Tháng 8/2013, NHTW Anh làm điều tương tự khi khẳng định sẽ không tăng lãi suất cho đến khi lạm phát giảm xuống 7%, nếu như các thị trường tài chính và lạm phát ổn định.
Giống như QE, biện pháp này tác động đến nền kinh tế theo một vài cách. Cam kết sẽ chịu đựng lạm phát cao hơn trong tương lai có thể giúp kích thích các hoạt động kinh tế. Cam kết duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức thấp cũng khiến lãi suất trong dài hạn giảm xuống.
Thêm vào đó, nhà đầu tư phản ứng với lãi suất thực hoặc lãi suất đã điều chỉnh theo lạm phát. Lạm phát được cho là ở mức dưới 0 có nghĩa là giá đang giảm xuống và lãi suất thực có thể tăng lên. Giảm phát thực chất lại làm tăng chi phí đi vay bởi khiến giá trị của tiền tệ tăng lên khi quy đổi sang hàng hóa. Nếu một NHTW hứa hẹn lạm phát tăng lên trong tương lai, lãi suất thực lại giảm xuống và thậm chí là âm. Điều này khiến mọi người tiết kiệm ít hơn, đi vay và đầu tư nhiều hơn.