Chính thức dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm từ năm 2023
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua, từ ngày 1/1/2023, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm sẽ dừng chính thức, thay vào đó, chỉ còn quy định về Quỹ dự trữ.
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi năm 2010), Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp DN bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán. Chính phủ có trách nhiệm quy định chi tiết việc quản lý và sử dụng số dư của quỹ. Nguồn để lập Quỹ được trích lập theo tỷ lệ phần trăm trên phí bảo hiểm áp dụng đối với tất cả hợp đồng bảo hiểm.
Tuy nhiên, với 94,18% đại biểu Quốc hội tán thành, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã chính thức được thông qua. Theo đó, tại Điều 98, không còn quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm mà chỉ còn quy định về Quỹ dự trữ.
Cụ thể, DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải trích lập quỹ dự trữ bắt buộc để bổ sung vốn chủ sở hữu và bảo đảm khả năng thanh toán. Quỹ dự trữ bắt buộc được trích hằng năm theo tỷ lệ 5% lợi nhuận sau thuế cho đến khi bằng mức tối đa theo quy định của Chính phủ.
Ngoài Quỹ dự trữ bắt buộc, DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có thể lập các quỹ dự trữ khác từ lợi nhuận sau thuế của năm tài chính theo quy định tại điều lệ của DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.
Lý giải về lý do dừng Quỹ, nhiều ý kiến cho rằng, việc duy trì đồng thời cả Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và Quỹ dự trữ với cùng một mục tiêu là không cần thiết. Quỹ dự trữ bắt buộc là trích 5% lợi nhuận sau thuế của DN, do cơ quan bảo hiểm quản lý; Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện là trích 0,3% và tài khoản do Bộ Tài chính quản lý đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của DN bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
Việc duy trì này tạo gánh nặng cho cả DN và người tham gia bảo hiểm, do số tiền trích nộp được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua đóng theo hợp đồng. Hơn nữa, sau 12 năm hình thành, số dư của Quỹ hiện là 1.000 tỷ đồng và chưa phải sử dụng lần nào. Tính đến thời điểm báo cáo Quốc hội ngày 26/8/2021, chỉ duy nhất một DN bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính (Bảo hiểm Viễn Đông - VASS), nhưng đây là do DN bảo hiểm nợ khoản đóng góp hàng năm.
Như vậy, trước nhiều nguyên nhân được đưa ra trong quá trình sửa đổi Luật, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã chính thức được thông qua với quy định dừng trích Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Bên cạnh đó, toàn bộ số dư của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm được Bộ Tài chính quản lý để sử dụng cho mục đích bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp DN bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản và Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm.