Chịu sức ép mới, giá dầu thô chạm đáy 5 tuần

Theo Diệp Vũ/vneconomy.vn

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi nhà đầu tư lo ngại căng thẳng mới trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tuy nhiên, nguồn cung bị siết lại do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela tiếp tục là nhân tố hỗ trợ quan trọng đối với giá năng lượng này.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,85 USD/thùng, tương đương giảm 1,4%, còn 61,4 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của loại dầu này kể từ ngày 29/3.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giảm 1,36 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 69,88 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 4/4.

"Sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã đặt giá dầu dưới sức ép mới", ông Abhishek Kumar, trưởng bộ phận phân tích thuộc Interfax Energy ở London, nhận xét với hãng tin CNBC. "Căng thẳng này là sống dậy những mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu, bởi xung đột có ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu".

Về vấn đề nguồn cung, thị trường dầu vẫn đang có xu hướng bị siết lại do Mỹ gia tăng trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu lửa của Iran và có kế hoạch gia tăng hiện diện quân sự ở vùng Vịnh - nơi được coi là "vựa dầu" của thế giới.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, giới chức Mỹ tuyên bố rằng việc nhóm hàng không mẫu hạm tấn công Abraham Lincoln và một đội máy bay ném bom đang được Washington điều tới Trung Đông là nhằm mục đích ứng phó với "những nguy cơ có thật". Tuy nhiên, Tehran nói rằng động thái này chỉ là một "đòn chiến tranh tâm lý" của Mỹ.

"Nguy cơ xảy ra hành động quân sự với Iran có vẻ đã tăng lên. Điều này hỗ trợ cho giá dầu sau khi giá năng lượng chịu sức ép giảm nhiều trong hai tuần qua vì lượng dầu tồn kho của Mỹ bất ngờ tăng mạnh", ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch Associates, nhận định trong một báo cáo được CNBC trích dẫn.

Trong vòng 1 năm qua, lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến xuất khẩu dầu của Iran giảm khoảng một nửa, xuống còn chưa đầy 1 triệu thùng/ngày. Theo dự báo, lượng xuất khẩu dầu của quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) này sẽ giảm còn 500.000 thùng/ngày trong tháng 5.

Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Rick Perry nói Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng khai thác dầu để bù đắp cho sự suy giảm nguồn cung từ Iran.

Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch dự báo Saudi Arabia "sẽ dần nâng sản lượng dầu khi nguồn dần từ Iran biến mất dần khỏi thị trường". Nhà băng này cũng cho rằng dầu Brent sẽ tìm được một sàn giá ở 70 USD/thùng trong các điều kiện thị trường hiện nay.

Ngoài trừng phạt Iran, Mỹ còn trừng phạt một nước OPEC khác là Venezuela, góp phần gây hạn chế nguồn cung dầu.

Dù giá dầu đang chịu sức ép giảm từ căng thẳng thương mại, nhiều nhà phân tích tin rằng thỏa thuận hạn chế sản lượng mà OPEC và đối tác gồm Nga, hay còn gọi là nhóm OPEC+, đang thực thi sẽ tiếp tục đẩy giá dầu lên.

"Đợt giảm gần đây đã kéo giá dầu Brent về mức quá thấp so với tình trạng thắt chặt nguồn cung và rủi ro nguồn cung ngày càng lớn, đúng vào lúc các nhà máy lọc dầu gia tăng hoạt động trở lại sau kỳ bảo dưỡng vào mùa xuân", một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định.