Giá dầu giảm tuần thứ hai liên tục

Theo Diệp Vũ/vneconomy.vn

Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi dữ liệu khả quan về kinh tế Mỹ giúp cải thiện dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu. Ngoài ra, sản lượng dầu suy giảm của Iran và Venezuela tiếp tục đặt ra mối lo về sự thắt chặt nguồn cung.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, tuần này vẫn là một tuần giảm giá của "vàng đen" do số liệu thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng mạnh.

Lúc đóng cửa tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau tăng 0,1 USD/thùng, đạt 70,85 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm 2,6%, chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tục trước đó.

Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 0,13 USD/thùng, chốt ở 61,94 USD/thùng. Tuần này, giá dầu WTI giảm khoảng 3%, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp.

Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo hàng tháng cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 263.000 việc làm mới trong khu vực phi nông nghiệp trong tháng 4, vượt xa dự báo, và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,6%, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2969.

Dữ liệu này được đánh giá là một tín hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang trong tình trạng tốt, đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ dầu có thể giữ được sự tăng trưởng.

Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đang thận trọng với thống kê công bố hôm thứ Tư cho thấy tồn kho dầu của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2017 và sản lượng khai thác dầu của nước này lập kỷ lục ở 12,3 triệu thùng/ngày trong tuần trước.

Từ đầu năm đến nay, giá dầu được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, hay còn gọi là nhóm OPEC+. Nhóm này đã giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày nhằm vực dậy giá dầu sau đợt giảm sâu hồi cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela cũng khiến nguồn cung dầu của hai nước thành viên OPEC này sụt giảm, hỗ trợ thêm cho giá dầu.

Giới thạo tin cho biết, mấy ngày trở lại đây, Nga đã giảm sản lượng dầu tới 10% do hoạt động xuất khẩu dầu của nước này sang một số nước châu Âu bị gián đoạn vì nguồn dầu bị ô nhiễm.

Cũng theo các nguồn thạo tin, sản lượng dầu của Saudi Arabia có thể tăng nhẹ trong tháng 6 để đáp ứng nhu cầu phát điện trong nước, nhưng mức sản lượng vẫn sẽ nằm trong hạn ngạch của thỏa thuận OPEC+.

Nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới được dự báo khai thác khoảng 10 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5, tăng nhẹ so với sản lượng của tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn hạn ngạch 10,3 triệu thùng/ngày quy định trong thỏa thuận OPEC+.

Mỹ vẫn kỳ vọng Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bù đắp cho sự thiếu hụt cung dầu trong trường hợp giá dầu tăng mạnh. Riyadh đến nay chưa đưa ra cam kết cụ thể nào, mà chỉ nói sẽ có sự phản hồi đối với nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, sản lượng dầu đá phiến cao kỷ lục của Mỹ đang phần nào xoa dịu mối lo về khả năng xảy ra một cú sốc nguồn cung.