Chờ dòng vốn FDI mới từ Hoa Kỳ vào 3 lĩnh vực ưu tiên
Y tế, thương mại số, năng lượng và biến đổi khí hậu sẽ là 3 lĩnh vực được phía doanh nghiệp Mỹ ưu tiên hợp tác với Việt Nam năm nay. Sắp tới có thể sẽ có dòng vốn đầu tư từ Mỹ đổ vào Việt Nam thông qua những lĩnh vực này.
Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham) cho biết, ngày 19-20/5 tới đây, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 do AmCham tổ chức, nhằm mở rộng thương mại và đầu tư của Hoa Kỳ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Nhiều nhà đầu tư cam kết đầu tư vào Việt Nam
Sự kiện này của AmCham diễn ra chỉ vài ngày sau Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ cho thấy, sức lan tỏa ngay lập tức của Hội nghị trên tới cộng đồng doanh nghiệp.
Cùng với các nước trong khu vực châu Á –Thái Bình Dương, Việt Nam hiện được xem là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Điều này phần nào được thể hiện qua Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Theo đó, Hoa Kỳ có 24 dự án đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp phép và 8 dự án FDI đang hoạt động điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký là hơn 147 triệu USD.
Ngoài ra, cùng thời gian trên, có 59 lượt nhà đầu tư nước này góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn là 22,4 triệu USD. Tính chung, trong 4 tháng đầu năm, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đạt gần 170 triệu USD, đứng thứ 9 trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022.
Đến nay, đầu tư Mỹ vào Việt Nam có gần 1.160 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 10,47 tỉ USD, cao thứ 11 trong số 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam.
Kết quả này theo giới phân tích cũng chưa phản ánh hết dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam. Bởi lẽ có nhiều nhà đầu tư, công ty đa quốc gia của Mỹ đầu tư ở nước khác trước rồi từ đây đầu tư vào Việt Nam (đầu tư qua nước thứ 3) nhưng không được tính vào.
Điều đáng mừng là tỉ lệ các doanh nghiệp Mỹ gia tăng đầu tư và có cái nhìn tích cực về môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Cuối năm ngoái, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) đã công bố một khảo sát về tình hình đầu tư của nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam. Theo đó, gần 80% hội viên Amcham được khảo sát đã đánh giá là rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn của họ về Việt Nam và đã lên kế hoạch hoặc đang cân nhắc đầu tư thêm.
Đặc biệt, sự hiện diện của những cái tên hàng đầu như: P&G, Coca Cola, Apple, Google, Intel…đã cho thấy mức độ ưu tiên của giới đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Điều đáng ghi nhận, năm 2021, trong khó khăn do đại dịch, nhưng nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Apple, Amazon, Google, Intel… vẫn công bố khoản đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn Intel đã đầu tư bổ sung 475 triệu USD.
Việt Nam cũng chào đón First Solar - một trong 3 tập đoàn năng lượng lớn nhất của Mỹ - với dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng, tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD.
Cùng với đó, Công ty Hayward Quartz Technology INC tại Thung lũng Silicon đầu tư 110 triệu USD vào khu công nghệ cao tại Đà Nẵng...
Tập trung vào 3 lĩnh vực then chốt
Đó chỉ là một vài điểm nhấn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam trong thời gian trước. Nhìn về tương lai, giới phân tích cho rằng, Hoa Kỳ sẽ sớm trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.
Còn nhớ, hồi đầu tháng 3 vừa qua, tại Hội nghị Thượng đỉnh Việt – Mỹ, bà Marisa Lago Thứ trưởng Thương mại phụ trách thương mại quốc tế Mỹ chia sẻ rằng, Y tế, thương mại số, năng lượng và biến đổi khí hậu sẽ là 3 lĩnh vực được phía doanh nghiệp Mỹ ưu tiên hợp tác với Việt Nam năm nay.
"Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để đưa các đoàn y tế Mỹ sang Việt Nam. Chúng tôi cũng sẵn sàng giới thiệu các tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong mảng năng lượng với các bạn", bà nói.
Đặc biệt, lĩnh vực y tế đang được xem là có nhiều điểm sáng và cũng là “mảnh đất” mới mà giới đầu tư Hoa Kỳ đang hướng tới. Ông Marc E. Knapper- Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực y tế. Trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam hơn 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cùng nhiều vật tư, thiết bị khác.
“Về đầu tư y tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như lĩnh vực dược phẩm của Hoa Kỳ hiện đại, mong muốn mang đến sản phẩm tốt nhất, chất lượng cho người dân Việt Nam”. Đại sứ Marc E. Knapper nói.
Gần đây, nhiều thiết bị chăm sóc y tế của Mỹ đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép, chẳng hạn hồi giữa tháng 3 năm nay, Công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu Abbott đã được Bộ Y tế cấp phép cho Bộ tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 Panbio™ (Panbio™ COVID-19 Antigen Self-Test) dùng phát hiện vi-rút SARS-CoV-2.
Ông Sanjeev Johar, Phó Chủ tịch phụ trách ngành hàng Chẩn đoán nhanh của Abbott khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết việc Bộ tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 Panbio™ được cấp phép giúp Abbott có thể đưa phương pháp xét nghiệm nhanh này đến những nơi đang cần, cho phép người dân tự làm xét nghiệm tại nhà, trường học và nơi làm việc để xác định các trường hợp đang nhiễm vi-rút.
Hay như Công ty Dược phẩm đa quốc gia Merck & Co Inc (có tên là MSD ở các quốc gia bên ngoài Hoa Kỳ và Canada) đã cho phép Tổ chức Sản xuất hợp đồng dược phẩm (CMO) ở các thị trường dược phẩm mới nổi, bao gồm cả Việt Nam, sản xuất các loại thuốc điều trị Covid-19, như thuốc kháng virus Molnupiravir.
Còn trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong các cuộc tiếp xúc với giới đầu tư, nhiều tập đoàn, quỹ tài chính lớn toàn cầu và Hoa Kỳ cũng tỏ ý sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, với hàng loạt các chứng nhận đầu tư, thỏa thuận hợp tác giữa bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước đã ký kết khi triển khai sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư hai nước.
Trở lại với Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 của Amcham Hà Nội. Được biết, cùng với chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Biden tại châu Á, các nhà lãnh đạo từ khắp khu vực của AmCham sẽ tập trung tại Hà Nội để thảo luận về các vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương phải đối mặt, cùng với đó là bàn thảo chuyên sâu những thách thức cụ thể của nhiều lĩnh vực.
Các nhà lãnh đạo AmCham bên cạnh việc thảo luận về kết quả đạt được từ Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ - ASEAN và chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ, Biden tới Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ thảo luận về Diễn biến căng thẳng Mỹ - Trung; Tiêu chuẩn ESG và Tính bền vững; Khuôn khổ nền Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF); Các vấn đề đầu tư vào FinTech, EdTech, CleanTech, Resilient Cities, Circular Economy…
Giới phân tích cho rằng, những động thái trên của giới đầu tư Hoa Kỳ báo hiệu sẽ có một “chiến dịch” đầu tư mới của nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam, nhất là trong 3 lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Điều này cũng phù hợp với chiến lược thu hút FDI mới của Việt Nam. Đó là đặt ưu tiên lớn hơn trong việc thu hút các dự án công nghệ cao, chuyển đổi số, đặc biệt là các dự án đầu tư năng lượng sạch.