Cho vay mua, thuê nhà ở xã hội: Tín hiệu vui cho người thu nhập thấp

Theo Bình Nhi/daibieunhandan.vn

“Năm 2018 sẽ chính thức triển khai cho vay mua, thuê nhà ở xã hội” - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Nguyễn Văn Lý khẳng định. Đây có lẽ là thông tin vui nhất cho những ai đang dang dở giấc mơ vay mua nhà khi gói 30 nghìn tỷ đã kết thúc giải ngân.

Nếu không được hỗ trợ, người thu nhập thấp rất khó mua được nhà. Nguồn: Internet
Nếu không được hỗ trợ, người thu nhập thấp rất khó mua được nhà. Nguồn: Internet

Từng bất lực khi cơ hội tuột tầm tay

Tháng 4/2016, vợ chồng chị Vũ Hà Thu ở phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội đăng ký mua nhà ở xã hội và được Vietinbank hỗ trợ lãi suất ở mức 5% theo gói vay 30 nghìn tỷ. Nhưng đến tháng 6, chuẩn bị ký hợp đồng mua bán thì gói 30 nghìn tỷ đã giải ngân hết. Hợp đồng mua bán phải dừng lại. Vợ chồng chị Thu đành ngậm ngùi nhìn cơ hội tuột khỏi tầm tay.

Đầu năm 2017, nghe thông tin NHCSXH cho vay mua nhà ở xã hội với mức lãi suất 4,8%, vợ chồng chị Vũ Hà Thu đôn đáo đi hỏi thủ tục, nhưng thực tế là chẳng mấy ai tiếp cận được với gói vay này. “Hy vọng, rồi lại thất vọng. Nhưng giờ cũng chỉ biết chờ thôi chứ làm thế nào”, chị Thu chia sẻ.

Cũng trong trạng thái chờ đợi, anh Mai Văn Hùng ở Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội theo dõi rất chặt chẽ mọi thông tin về các chính sách tín dụng cho người mua nhà ở xã hội. Một trong những chính sách được anh Hùng rất kỳ vọng hiện nay là gói 2.000 tỷ đã được Quốc hội thông qua để phát triển nhà ở xã hội.

“Tuy nhiên, đã gần hết năm mà vẫn chưa thấy động tĩnh, không biết bao giờ gói này mới được triển khai. Nếu không vay được vốn ưu đãi thì những người có thu nhập thấp như chúng tôi rất khó có cơ hội để mua được nhà”, anh Hùng cho biết.

Nghị định 100/2015/NĐ-CP về nhà ở xã hội ra đời khiến nhiều người vui mừng, trong đó có vợ chồng anh Hùng. Theo đó, Thủ tướng quyết định lãi suất vay mua nhà ở xã hội thông qua NHCSXH chỉ 4,8%/năm. Nhưng do việc bố trí vốn còn khó khăn nên chính sách tín dụng này vẫn chưa được triển khai.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, thực tế hiện nay, cả chủ đầu tư và các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội đều không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi nên gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà ở xã hội nhưng chưa nhận nhà trong năm 2016 do dự án chưa hoàn thành, thì kể từ ngày 1/1/2017 trở đi đã không còn được tiếp tục giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng và cũng chưa có nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác thay thế.

Trong khi đó, kể từ ngày 1/6/2016 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thì vẫn phải tiếp tục vay thương mại với điều kiện khắt khe hơn để thi công hoàn thành công trình. Như vậy là cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà đều gặp khó khăn.

Nên hiểu gửi tiết kiệm là tự tạo vốn

Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành cũng như NHCSXH xác định rõ, chương trình cho vay mua, thuê nhà ở xã hội là chương trình có tính nhân văn cao, được xã hội quan tâm, mong đợi. Do đó, ngay sau khi Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ quy định giao NHCSXH thực hiện cho vay chương trình này, NHCSXH đã có các bước chuẩn bị để sẵn sàng thực hiện cho vay ngay khi Chính phủ cấp vốn thực hiện chương trình.

Theo đó, Chính phủ cơ cấu dành cho NHCSXH 500 tỷ đồng để thực hiện chương trình này, tương ứng với đó, ngân hàng sẽ huy động 500 tỷ đồng nữa. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng có kế hoạch ủy thác cho vay chương trình này cho NHCSXH. “Năm 2018, chắc chắn chúng tôi sẽ triển khai cho vay mua, thuê nhà ở xã hội” - ông Nguyễn Văn Lý nói.

Tuy nhiên, một nội dung khiến nhiều người băn khoăn là quy định tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ghi: “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lý khẳng định, trước hết, khách hàng gửi tiết kiệm cần xác định rõ, hoạt động tiết kiệm này không phải tiết kiệm lấy lãi, mà thực chất là hoạt động tiết kiệm của người vay vốn nhằm tạo vốn tự có tham gia vào dự án vay vốn. Song, để tạo điều kiện cho người vay mua, thuê nhà ở xã hội, NHCSXH có hai phương pháp: Thứ nhất, cho vay rồi mới thực hiện gửi tiết kiệm; thứ hai, gửi tiết kiệm rồi mới cho vay. “Cả hai phương pháp này đều đúng luật” - Ông Nguyễn Văn Lý nói.

Bàn về vấn đề cơ chế thực hiện chương trình, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2020 để cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay, với lãi suất khoảng 4,8%/năm.

Đề nghị phân bổ nguồn vốn này cho NHCSXH và các tổ chức tín dụng khác gồm: Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV để triển khai thực hiện. Về lâu dài, Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở, trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê, tương tự như Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ trước đây, để làm giảm giá thành nhà ở xã hội.