Cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long


Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo trong cả nước nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp thu mua lúa, gạo; làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua lúa, gạo có nhu cầu vay vốn để xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo cho người dân.

Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thời gian qua, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT). Cùng với đó, để thúc đẩy xuất khẩu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tài chính có những tác động tích cực đến NNNT khu vực này như: Hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thu mua lúa gạo, hỗ trợ về vốn cho thu mua tạm trữ để bình ổn giá đảm bảo cho người nông dân có lãi, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch... Trong đó, có thể điểm lại một số chính sách nổi bật sau:

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT. Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức tài chính quy mô nhỏ đầu tư tín dụng phục vụ phát triển NNNT và nâng cao đời sống của nhân dân trên nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư. TCTD thực hiện cơ chế bảo đảm tiền vay theo quy định hiện hành và xác định mức cho vay không có bảo đảm đối với từng đối tượng cụ thể, phù hợp với đặc điểm kinh doanh của khách hàng và khả năng quản lý rủi ro của TCTD.

Các TCTD thông báo công khai mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, điều kiện, thủ tục cho vay cụ thể trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành về cho vay của TCTD đối với khách hàng. Các ngân hàng, tổ chức tài chính thực hiện cho vay các đối tượng chính sách và các chương trình kinh tế theo chỉ định của Chính phủ, được Chính phủ bảo đảm các điều kiện để thực hiện thông qua các chính sách đối với NNNT, nông dân trong từng thời kỳ. Các tổ chức tài chính quy mô nhỏ cho vay các đối tượng trong lĩnh vực NNNT thực hiện theo quy định của pháp luật…

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 18/11/2013 trong đó nêu rõ, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vay vốn 100% trong 2 năm đầu và 50% trong năm thứ 3 để mua các máy móc thiết bị, nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo danh mục Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố các tổ chức, cá nhân được hưởng lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp bao gồm: Nhà xưởng và các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.

Cho vay hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa, gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong trường hợp giá thóc, gạo hàng hóa trên thị trường thấp hơn giá thóc, gạo định hướng khi vụ thu hoạch rộ; cho vay ưu đãi lãi suất, ân hạn lãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện tái canh cây cà phê tại khu vực Tây Nguyên...

Bên cạnh đó, chính sách phát triển thủy sản ngày càng được hoàn thiện hơn. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/07/2014 quy định, việc cho vay hỗ trợ lãi suất đối với người dân, doanh nghiệp đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ hai thác hải sản với lãi suất cho vay tối đa 7%/năm; ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vay vốn từ 4-6%/năm; thời hạn hỗ trợ lãi suất lên tới 16 năm đối tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới và 11 năm đối với tàu vỏ gỗ; chủ tàu được ân hạn trả gốc và lãi 1 năm…

Ngày 09/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT với nhiều ưu đãi như: Quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã từ 50 triệu đồng đến tối đa 3 tỷ đồng. Nghị định này quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được vay không có tài sản bảo đảm đến 70-80% giá trị phương án, dự án sản xuất, kinh doanh, đồng thời được hưởng cơ chế xử lý khoản nợ (khoanh nợ, xóa nợ) khi gặp rủi ro khó khăn trong việc trả nợ vay ngân hàng do nguyên nhân khách quan bất khả kháng…

Cùng với đó, hàng loạt chính sách nhằm thúc đẩy cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch cũng được ban hành, cụ thể: NHNN đã ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay đối với các khách hàng đáp ứng tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định tại Quyết định 738/QĐ-BNN-PTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lãi thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường của NHTM.

Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT. Trong đó, đã điều chỉnh các nội dung liên quan đến khách hàng vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ và cho vay mới…

Về phía NHNN, với vai trò cơ quan quản lý đã nhanh chóng có nhiều động thái nhằm hoàn thiện các chính sách tín dụng hỗ trợ NNNT. Cụ thể, ngày 22/7/2015, NHNN ban hành Thông tư số 10/2015/TT-NHNN hướng dẫn triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời, ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực NNNT, cụ thể: Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực NNNT luôn thấp hơn 1%-2% so với lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường khác (hiện lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực NNNT tối đa là 6,5%/năm). Thực hiện chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, nhằm khuyến khích các TCTD đẩy mạnh cho vay NNNT như: Tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các TCTD có tỷ lệ cho vay NNNT từ 40% trở lên.

Ngày 24/10/2018, NHNN ban hành Thông tư số 25/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT. Sửa đổi nội dung về khách hàng vay vốn, bổ sung thời gian ân hạn nợ… Ngày 1/10/2018, NHNN ban hành Công văn số 7378/NHNN-TD về cho vay kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết lúa, gạo từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 18/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ…

Ngày 4/3/2019, NHNN ban hành Văn bản số 1289/NHNN-TD về việc tiếp tục đẩy mạnh cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Hội nghị ngành ngân hàng cho vay thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa, gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được tổ chức trong ngày 26/02/2019, Thống đốc NHNN yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các NHTM và Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp phục vụ sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.

Kết quả hoạt động tín dụng đối với sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long

Thống kê cho thấy, tín dụng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng đều qua các năm, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn năm 2018 đạt 578.991 tỷ đồng, tăng 7,89% so với năm 2017, chiếm 11,2% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế, trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển NNNT theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng 13,4% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng gần 28%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn toàn quốc và chiếm gần 52% tổng dư nợ cho vay của khu vực.

Năm 2018, một số sản phẩm chủ lực của Vùng cũng được chú trọng đầu tư, tín dụng lúa gạo tăng 18,5%, thủy sản tăng 7,2% so với năm 2017. Có  7 TCTD tiếp tục cam kết tài trợ vốn cho 73 dự án thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng số tiền cam kết cho vay gần 28.500 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay 11 chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ định của Chính phủ và một số chương trình, dự án khác do UBND địa phương ủy thác. Dư nợ cho vay đến 31/12/2018 đạt hơn 24.000 tỷ đồng, tăng 7,43% so với năm 2017.

Vốn tín dụng đã giúp cho người dân, doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, các công nghệ sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế đã được ứng dụng và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo tiền đề để người dân, doanh nghiệp tiến tới sản xuất hàng hóa lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa NNNT.

Chính sách hỗ trợ về nguồn vốn như ưu tiên trong tái cấp vốn và thực hiện giảm dự trữ bắt buộc đối với các TCTD có tỷ lệ đầu tư cho NNNT từ 40% trở lên đã khuyến khích các TCTD tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần đưa tín dụng đối với lĩnh vực tăng đều hàng năm và cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung. Nợ xấu trong lĩnh vực NNNT luôn thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế.

Với những chính sách tín dụng của Chính phủ, NHNN và NHTM, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long đã chiếm trên 50% sản lượng và trên 70% giá trị xuất khẩu của cả nước về sản lượng và giá trị của lương thực. Xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục giữ vững trong tốp đầu về các quốc gia xuất khẩu gạo, trong đó sản lượng xuất khẩu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến hơn 90%. Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu gạo đạt 5,245 triệu tấn và dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu thêm 3,72 triệu tấn, cả năm sẽ đạt gần 8,0 triệu tấn.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động tín dụng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, trong khi các giải pháp của cơ quan quản lý vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại. Một trong số đó là nguồn vốn chưa đáp ứng được hết nhu cầu; công tác quy hoạch, kế hoạch về nuôi trồng, chế biến xuất khẩu lúa gạo và thủy sản còn bất cập. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chưa dự báo, quản lý được cung – cầu của thị trường, hiện tượng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn thường xuyên xảy ra... Những khó khăn này đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư vốn tín dụng trên địa bàn, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng.

Chính sách thu mua lúa gạo tạm trữ chưa đảm bảo lợi ích đến được trực tiếp với người sản xuất lúa. Chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu Đồng bằng sông Cửu Long chưa phát triển được. Sản xuất lúa gạo xuất khẩu và xuất khẩu gạo của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thiếu sự ổn định, sản lượng xuất khẩu nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, thị phần xuất khẩu gạo có chất lượng chưa có tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Sự phối hợp triển khai các giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu gạo Đồng bằng sông Cửu Long chưa đồng bộ ở cả Trung ương và các địa phương. Các giải pháp tài chính như bảo hiểm, tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, thuế... ít tác động đến chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu.

Đẩy mạnh cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Việc đưa ra các giải pháp đẩy mạnh cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển ổn định đang đặt ra cấp bách hiện nay cũng như trong nhiều năm tới đáp ứng yêu cầu trước mắt và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững, lâu dài. Thời gian tới, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thu mua thóc, gạo; đồng thời tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, tăng khả năng tiếp cận vốn và xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp thu mua thóc, gạo cho người dân.

Thứ hai, bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay thu mua thóc, gạo của các TCTD trên địa bàn để kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố, NHNN các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tạo điều kiện đáp ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh thóc, gạo của người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng đối với lĩnh vực NNNT theo hướng nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; cho phép sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm…

Thứ tư, NHNN tiếp tục thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ (tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc) nhằm hỗ trợ vốn cho các TCTD đẩy mạnh cho vay NNNT.

Thứ năm, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn đẩy mạnh cho vay NNNT nói chung và tích cực triển khai các chương trình tín dụng đặc thù như: cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay lúa gạo, thủy sản…; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trong việc triển khai các chương trình cho vay; tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng.

Thứ sáu, tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất (nhà kính, nhà lưới…) làm tài sản đảm bảo khi vay vốn tại TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Thứ bảy, tiếp tục chỉ đạo các TCTD nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp nông nghiệp; đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, cắt giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Thứ tám, Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP về gói tín dụng có quy mô 100.000 tỷ đồng dành cho “phát triển nông nghiệp công nghệ cao” các ngân hàng đã triển khai chương trình tín dụng cho nông  nghiệp công nghệ cao. Các ngân hàng cần chú ý đến các tiêu chuẩn về nông nghiệp công nghệ cao. Vì thực tế hiện nay, chưa có tiêu chuẩn cụ thể nào cho nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ chín, hợp tác xây dựng tiêu chí đánh giá cho vay theo chuỗi giá trị tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hướng tới mục tiêu thúc đẩy xây dựng tiêu chí đánh giá cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các phương án kinh doanh theo mô hình chuỗi, làm cơ sở tham chiếu cho các NHTM, góp phần giúp các ngân hàng hiểu rõ hơn về các mô hình chuỗi bền vững, các yếu tố quản lý rủi ro kinh doanh và đầu tư có trách nhiệm.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2018), Kết quả thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Báo Điện tử Chính phủ;
  2. Báo cáo hoạt động cho vay của các Ngân hàng Việt Nam tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2015-2018;
  3. H. D. (2019), Tăng hạn mức cho vay thu mua thóc, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long;
  4. Một số website: sbv.gov.vn, vietinbank.vn, thoibaonganhang.com.vn.