Hạ lãi suất, chủ động cho vay ngoại tệ ngắn hạn với doanh nghiệp lúa gạo

Theo Thùy Linh/congthuong.vn

Cùng với lãi suất cho vay 6%/năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc cung ứng vốn cho ngành hàng lúa gạo, đặc biệt là hạ lãi suất, chủ động cho vay ngoại tệ ngắn hạn với doanh nghiệp (DN) lúa gạo và tăng cường vốn vay trung, dài hạn.

NHNN khuyến khích các NHTM Nhà nước chủ động hạ lãi suất cho vay lúa gạo xuống 6%/năm. Nguồn: Internet
NHNN khuyến khích các NHTM Nhà nước chủ động hạ lãi suất cho vay lúa gạo xuống 6%/năm. Nguồn: Internet

Linh hoạt các giải pháp vay vốn cho doanh nghiệp

Ngày 4/03/2019, NHNN ban hành văn bản số 1289/NHNN-TD về việc tiếp tục đẩy mạnh cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại (NHTM) và Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố Khu vực ĐBSCL thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp phục vụ sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.

Cụ thể, các NHTM cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết lúa, gạo từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…

Đảm bảo cân đối, ưu tiên tập trung bố trí đủ vốn cho vay trên tinh thần hỗ trợ các doanh nghiệp để có thêm nguồn vốn kịp thời thu mua tạm trữ, chế biến, xuất khẩu lúa, gạo Vụ Đông - Xuân 2019 nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần ổn định giá bán hợp lý cho nông dân; Chủ động làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu lúa, gạo để có các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vay vốn như: xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay lưu vụ, tiếp tục cho vay mới, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng mức vốn cho vay thời vụ…

Bên cạnh đó phải tăng cường cho vay trung,dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp củng cố, mở rộng diện tích kho chứa, bảo quản, chế biến lúa, gạo. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, nghiên cứu triển khai sản phẩm tín dụng cho vay lúa gạo, linh hoạt kỳ hạn cho vay phù hợp chu kỳ kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa, gạo, góp phần giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh.

“Các NHTM có vốn Nhà nước chủ động đi đầu hạ lãi suất cho vay xuống mức 6%/năm. Tiếp tục xem xét cho vay ngắn hạn đối với các nhu cầu vốn bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo phù hợp với các quy định hiện hành của NHNN về cho vay ngoại tệ đối với khách hàng là người cư trú” - Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu.

Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thu mua lúa, gạo; Đầu mối tổ chức ngay các buổi kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp, từ đó kịp thời có giải pháp cụ thể tháo gỡ cho các doanh nghiệp.

Ngân hàng thương mại đồng loạt vào cuộc

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã triển khai Chương trình cho vay ưu đãi với mức lãi suất từ 6% cho kỳ hạn ngắn (3-6 tháng) dành cho các DN thu mua tạm trữ thóc, gạo Đông Xuân khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Mức lãi suất cho vay này hiện thấp hơn lãi suất huy động vốn của nhiều ngân hàng, DN vay vốn sẽ được ngân hàng xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm giúp các DN thu mua thóc, gạo sẽ được cung ứng vốn kịp thời.

Hiện nay tại địa bàn ĐBSCL, mạng lưới của VietinBank có 18 chi nhánh, 102 phòng giao dịch đang phục vu gần 20.000 DN hoạt động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu mua thóc, gạo. Tính đến cuối tháng 12/2018, tại khu vực ĐBSCL, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt gần 40.000 tỷ đồng, chiếm hơn 30% dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của toàn hệ thống; Riêng dự nợ cho vay thóc, gạo đạt gần 12.000 tỷ, tăng 35% so với năm 2017. Bên cạnh đó, VietinBank luôn đảm bảo khả năng phục vụ khách hàng trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu tại 13 tỉnh ĐBSCL thông qua việc triển khai gói giải pháp tổng thể nhằm hỗ trợ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn.

Là một trong những ngân hàng hàng đầu cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn tại địa bàn ĐBSCL, VietinBank cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, DN trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ thóc, gạo với lãi suất ưu đãi và thời hạn cho vay phù hợp, góp phần quan trọng vào ổn định vĩ mô, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cũng đã khẳng định, toàn hệ thống Vietcombank sẽ dành khoảng 9.000 tỷ đồng để cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa gạo trong năm nay. Trong đó khoảng 7.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân cho vay trong vụ Đông Xuân 2018-2019.

Được biết, tại nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL, việc cung ứng vốn tín dụng cho ngành lúa gạo đang rất tích cực. Đơn cử, tại Đồng Tháp, tính đến cuối tháng 1/2019 các TCTD trên địa bàn Đồng Tháp đã cho vay thu mua lúa gạo đối với DN, hợp tác xã, thương lái với dư nợ khoảng trên 3.600 tỷ đồng.

Đồng thời, NHNN chi nhánh Đồng Tháp cũng đã làm việc với các NHTM trong tỉnh, khuyến khích các đơn vị tạo điều kiện hỗ trợ tăng hạn mức cho vay đối với các DN, hợp tác xã lúa gạo để có vốn thu mua lúa gạo kịp thời cho người dân.