Chọn đồ chơi Trung thu an toàn
Chọn đồ chơi cho trẻ, nên tránh các loài đồ có màu sắc sặc sỡ, nhiều đèn nhấp nháy, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
TS. Lê Anh Dũng, Công ty CP đồ chơi và thiết bị trường học Vietseed cho rằng, nên chọn loại đồ chơi có ý nghĩa giáo dục văn hóa dân tộc. Cách tốt nhất là nên cho trẻ chơi các đồ chơi truyền thống như: Đèn lồng, đèn kéo quân, đèn cù, đèn ông sao, đèn tôm, cua, cá, mặt nạ, tò he, đầu lân, sư tử, tò he, chú Tễu, ông tiến sĩ giấy hay các món đồ chơi đặc trưng khác của Trung thu.
Những món đồ chơi dân gian đặc trưng của Việt Nam thường làm bằng những nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên, cây cối và gắn với nền văn hóa. Những đồ chơi này được làm từ chất liệu an toàn cho bé như gỗ, giấy, đất sét…
Ngoài ra, còn có một số sản phẩm đồ chơi truyền thống khác như: Trống ếch, trống lắc tay, trống bỏi… với những âm thanh vui nhộn, giúp bé nâng cao được khả năng tương tác với âm thanh, tạo cho trẻ tinh thần vui vẻ, lạc quan.
Đồ chơi trung thu cũng cần có sự phù hợp với yêu cầu phát triển vận động và trí tuệ cho trẻ trong từng giai đoạn khác nhau. Các món đồ chơi vận động như, bể bơi bơm hơi, cầu trượt, xích đu, cột bóng rổ… hay các loại xe cho bé thỏa sức vận đông cũng rất thích hợp để chọn làm món quà tặng trung thu cho các bé ở lứa tuổi trên 3 tuổi. Hoặc một số món đồ chơi mang tính khám phá, sáng tạo như: Đất sét, bộ đồ nấu ăn, xếp hình, đồ chơi bác sĩ, tranh cát, thú nhồi bông, truyện tranh hữu ích, sách và bút tô màu… cũng có tác dụng nâng cao kiến thức, kích thích sự phát triển trí não cho trẻ.
Nên tránh mua các loại đồ chơi như mặt nạ dẻo, thường được sản xuất từ nhựa, cao su, sơn phun màu và nhiều thành phần hóa học khác, trong đó có nhiều thành phần gây nguy hiểm tới cơ thể. Các loại đồ chơi có gắn pin, nhiều đèn nhấp nháy, có nhiều chi tiết bằng kim loại, sử dụng sơn màu… đều không nên dùng cho trẻ.