Chống buôn lậu gia cầm, thủy sản còn lắm gian nan
(Tài chính) Theo Tổng cục Hải quan, công tác đấu tranh chống buôn lậu các sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản không rõ nguồn gốc gặp nhiều khó khăn, xuất phát một phần từ ý thức của người dân.
Hàng vô chủ
Hiện nay, địa bàn trọng điểm diễn ra các hoạt động buôn lậu gia cầm là các đường mòn, lối tắt, khu vực biên giới gần khu dân cư thuộc địa bàn các tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.
Các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng khoảng thời gian từ đêm đến trước khi trời sáng để sang Trung Quốc mua với số lượng ít, thuê cửu vạn, cư dân biên giới vác hàng qua các đường mòn lối mở, hai bên cánh gà cửa khẩu rồi dùng xe gắn máy chia nhỏ hàng vận chuyển đến địa điểm tập kết, sau đó chuyển lên xe tải nhỏ vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Do đó, các vụ việc do lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ trong địa bàn hoạt động hải quan thường vô chủ; công tác điều tra xác minh chủ sở hữu hầu như không hiệu quả.
Gần đây nhất là vụ bắt giữ 350kg cá quả nhập lậu trên địa bàn TP. Móng Cái (Quảng Ninh). Ngày 26-8, lực lượng chức năng thuộc Trạm Kiểm soát liên hợp Km15- Bến tầu Dân Tiến đã phát hiện số hàng nhập lậu trên đang được tập kết tại khu vực thôn 2, xã Hải Tiến, TP. Móng Cái để đưa về nội địa tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, lô hàng không có người đứng tên chủ hàng. Trước đó, ngày 24-8 cũng tại địa bàn xã Hải Tiến, lực lượng thuộc Trạm Kiểm soát liên hợp Km15- Bến tầu Dân Tiến đã thu giữ 3.360 quả trứng vịt giống và 240kg cá quả nhập lậu. Lô hàng này cũng… vô chủ.
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nhiều vụ việc nhập lậu sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản bị phát hiện cũng thuộc dạng không xác định được chủ sở hữu. Chẳng hạn vụ Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai bắt giữ nhập lậu 30 kg nội tạng động vật, 7kg xúc xích, tháng 4-2014 hay vụ bắt giữ 100kg xúc xích, 65kg gà cay, tháng 2-2014.
Theo Tổng cục Hải quan, trong thời gian qua, các đơn vị trong ngành đã chủ động trong công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng nhập lậu vào Việt Nam nói chung và các sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nói riêng. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng như: Biên phòng, Quản lý thị trường, Công an, Thú y, Kiểm dịch… và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, người, phương tiện xuất nhập cảnh nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới.
Cư dân tiếp tay
Hiện nay nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu các mặt hàng trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do ý thức của người dân còn thấp. Bên cạnh đó, do đời sống còn nhiều khó khăn nên một bộ phận cư dân biên giới tham gia tiếp tay, che giấu, vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản nhập lậu.
Các vụ việc do lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ thường vô chủ, nên công tác điều tra, xác minh, xử phạt gặp nhiều khó khăn.
Địa bàn quản lý hải quan tại các khu vực biên giới rộng, rải rác, địa hình phức tạp, có nhiều đường mòn, lối tắt cũng khiến công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và bắt giữ hành vi buôn lậu gia súc, gia cầm, thủy sản gặp nhiều khó khăn.
Một trong những biện pháp cần thiết để khắc phục khó khăn trên là nâng cao nhận thức cho người dân. Theo Bộ Tài chính, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của vận chuyển, kinh doanh, sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Không vì lợi ích cá nhân, trước mắt mà gây hại sức khỏe cho người tiêu dùng và thiệt hại cho người chăn nuôi gia cầm.
Bộ Tài chính sẽ tăng cường đầu tư trang bị phương tiện, công cụ, máy móc, kinh phí phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát; tập huấn bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu nói chung và ngăn chặn nhập khẩu, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm, thủy sản nói riêng.