Chống buôn lậu và gian lận thương mại trong dịp Tết Nguyên đán
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, công an cửa khẩu, cảnh sát biển, quản lý thị trường tại các tỉnh biên giới và các địa bàn trọng điểm đang ráo riết thực hiện đợt cao điểm kiểm soát thị trường, đấu tranh chống hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh các mặt hàng cấm, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm…, để bảo đảm quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng, lành mạnh hóa thị trường.
Những ngày qua, lực lượng chức năng ở các tỉnh biên giới phía bắc như Quảng Ninh, Cao Bằng tăng cường tuần tra nắm tình hình, trao đổi thông tin nhằm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi
Cuối năm 2021, trong khi làm nhiệm vụ, tổ tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Hải Hòa đã bắt giữ đối tượng Bùi Ngọc Chỉnh, sinh năm 1986, trú tại khu 2, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái sử dụng mảng xốp vận chuyển trái phép 400 kg nầm lợn bốc mùi hôi thối từ Trung Quốc về Việt Nam. Chỉnh khai nhận chở thuê số hàng từ giữa sông biên giới về Việt Nam để lấy tiền công. Trước đó, lực lượng Hải quan tỉnh đã bắt giữ ba đối tượng đang sử dụng một xuồng máy chuyên chở nhiều lồng nhựa chứa con giống gia cầm chuyển cho các mảng chở vào bờ. Tổng số tang vật gồm 47 nghìn con gà và ngỗng giống dưới 10 ngày tuổi, tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 1,8 tỷ đồng.
Gần đây nhất, vào lúc 4 giờ 45 phút ngày 12/1/2022, tại vùng biển giáp ranh giữa hai huyện Tiên Yên và Vân Đồn, Phòng Trinh sát Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 và Đoàn Trinh sát số 1 đã mật phục, truy đuổi một xuồng máy cao tốc có biểu hiện sang mạn hàng hóa giữa một xuồng và một mảng gỗ có gắn động cơ. Khi lực lượng chức năng di chuyển đến gần vị trí, lợi dụng thời tiết sương mù, trời tối, các đối tượng đã lên xuồng máy bỏ chạy. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ một mảng gỗ không có số hiệu, có gắn động cơ. Trên mảng có 45 hộp các-tông chứa pháo nổ mang nhãn hiệu Trung Quốc, tổng trọng lượng gần 300 kg.
Tỉnh Cao Bằng có đường biên giới dài hơn 333 km, có nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở qua biên giới. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biên mậu, nhưng các đối tượng buôn lậu cũng lợi dụng địa hình này để nhập lậu hàng hóa. Các mặt hàng buôn lậu được các đối tượng buôn lậu thuê cư dân biên giới chia nhỏ, xé lẻ hàng rồi lén lút vận chuyển qua biên giới vào giờ nghỉ, ban đêm để trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng và thuê các loại phương tiện chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, đối tượng vứt lại tang vật, bỏ chạy. Có đối tượng bọc hàng nhập lậu (thuốc lá) vào bao ni-lông, thả trôi sông dọc biên giới, rồi bố trí người sử dụng bè, mảng ở hạ lưu để vớt lên, thu gom, vận chuyển về tập kết tại nhà dân, sau đó trà trộn với thuốc lá lá trồng tại địa bàn, vận chuyển vào nội địa.
Địa bàn tỉnh Hà Nam có các tuyến quốc lộ 1A, 38, 21, cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình… chạy qua, là địa bàn trung chuyển hàng hóa từ tỉnh này sang tỉnh khác. Càng gần Tết Nguyên đán, hoạt động thương mại càng sôi động. Một số cá nhân lợi dụng thời điểm này để trà trộn, bán hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng cấm ra thị trường. Cục Quản lý thị trường Hà Nam đã phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý triệt để những trường hợp vi phạm.
Ông Trịnh Hồng Mỹ, Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường Hà Nam cho biết: Các đối tượng sử dụng xe khách, xe tải để vận chuyển hàng hóa, ngụy trang hàng lậu, hàng cấm với các hàng hóa khác; chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển nhiều lần, hợp thức hóa hồ sơ hàng hóa. Cùng với công tác kiểm tra, đơn vị tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh trên địa bàn nhằm giúp các hộ hiểu hơn các quy định trong kinh doanh thương mại. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết lỗi vi phạm về niêm yết giá và nhãn hàng hóa.
Đáng chú ý, lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, hoạt động gian lận thương mại đang chuyển dần từ phương thức truyền thống sang bán hàng online trên các trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam, nhiều hàng hóa nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng được bán online, vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh, gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn. Đối với kênh bán hàng này, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng vẫn là giải pháp quan trọng nhất.
Bà Hoàng Thị Thu Dịu, tổ dân phố số 5, phường Trần Hưng Đạo, TP Phủ Lý, Hà Nam chia sẻ: Để tránh mua phải hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng tôi luôn có ý thức nâng cao cảnh giác, mua hàng tại các cửa hàng có uy tín, và chọn mua các mặt hàng có niêm yết giá, xuất xứ rõ ràng.
Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng
Thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán, Hải quan Quảng Ninh tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trao đổi thông tin liên quan; phối hợp Bộ đội Biên phòng tuần tra, bắt giữ, xử lý các đối tượng buôn lậu. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt hàng hóa xuất, nhập khẩu, nhất là hàng tiêu dùng, vật tư, trang, thiết bị y tế, hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng cho biết, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh yêu cầu các địa phương và lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương khu vực biên giới có cửa khẩu phải siết chặt hoạt động vận chuyển hàng hóa trái phép ngay từ cửa ngõ, ngăn chặn việc xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, không để hình thành các điểm nóng. Tăng cường trấn áp các đối tượng, nhóm đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ các loại trong dịp Tết.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng Nông Minh Huấn cho biết, ở khu vực biên giới, lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với Hải quan, Biên phòng, Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa từ khu vực biên giới vận chuyển vào thị trường nội địa; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ dân sinh, điểm đầu mối phân phối hàng hóa trên địa bàn quản lý.
Trong nội địa, các lực lượng cũng tăng cường kiểm tra hàng hóa tại các siêu thị, chợ, kho hàng; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trong dịp Tết và mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các Đội quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là các thành viên Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm. Chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề, lĩnh vực cụ thể. Tập trung kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực, điểm tập kết hàng hóa, các chợ đầu mối, siêu thị, chợ nông thôn, các tuyến quốc lộ và địa bàn trọng điểm, như thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên…
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam Vũ Văn Sơn cho biết: Trong dịp này, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, theo dõi diễn biến thị trường. Qua đó kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm để có tính răn đe, phòng ngừa hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.