Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan:

Xung kích trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả


Thời gian qua, trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với diễn biến phức tạp, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong bối cảnh đó, Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan đã phát huy vai trò xung kích, chủ động tham mưu và triển khai các giải pháp đấu tranh đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia.

Hơn 60.000 viên thuốc dùng trong điều trị bệnh COVID-19 ngụy trang  thực phẩm bị lực lượng hải quan phát hiện, bắt giữ.
Hơn 60.000 viên thuốc dùng trong điều trị bệnh COVID-19 ngụy trang thực phẩm bị lực lượng hải quan phát hiện, bắt giữ.

Ngành Hải quan chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ hàng chục nghìn vụ vi phạm

Với quyết tâm "tích cực, chủ động trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả", Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, từ công tác tham mưu đến công tác đấu tranh trực tiếp.

Cục Điều tra chống buôn lậu đã góp sức cùng ngành Hải quan kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Trong năm 2021, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.568 vụ vi phạm pháp luật hải quan; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.709,89 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 290,57 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã ban hành quyết định khởi tố 39 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 176 vụ.

Đối với phòng, chống vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới, theo Cục Điều tra chống buôn lậu, tình trạng vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, các đối tượng chuyển hướng hoạt động sang tuyến hàng không, chuyển phát nhanh và cất giấu số lượng lớn ma túy lẫn trong hàng hóa xuất nhập khẩu với phương thức tinh vi. Với sự vào cuộc quyết liệt, tính đến tháng 12/2021, lực lượng hải quan đã chủ trì và phối hợp triệt phá 242 vụ, bắt giữ 231 đối tượng, tổng số tang vật thu giữ gồm trên 90kg và 52 bánh heroin; trên 700kg cần sa; trên 500kg và 581.246 viên ma túy tổng hợp.

Trong công tác quản lý hàng kinh doanh, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, thực tế đã phát hiện một số vụ việc vi phạm với thủ đoạn tái xuất không đúng tuyến đường, không đúng cửa khẩu ghi trong giấy phép và tờ khai; khai báo không đúng tên hàng, số lượng, trọng lượng, chủng loại hàng hóa. Thậm chí, một số lô hàng là hàng cấm nhập khẩu, hàng đã qua sử dụng, rác thải công nghiệp, hàng thực phẩm đông lạnh… có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bị thẩm lậu vào nội địa, gây mất an toàn cộng đồng.

Thực hiện kế hoạch kiểm soát hàng kinh doanh, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan có rủi ro cao, qua tiến hành kiểm tra 73 container của 04 doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu theo loại hình tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan, sau đó tái xuất qua các cửa khẩu biên giới, lực lượng hải quan cùng các đơn vị liên quan đã phát hiện 71/73 container rỗng (không chứa hàng hóa) và chỉ 01 container là còn đủ, 01 container chỉ còn khoảng 02 tấn hàng.

Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc và các loại trang thiết bị y tế sử dụng trong việc phòng, chống dịch tăng cao, một số đối tượng đã tổ chức nhập lậu, quảng cáo và giao bán công khai trên các trang thông tin điện tử nhiều loại thuốc điều trị bệnh COVID-19, bộ test và các loại thiết bị y tế với nguồn gốc là “hàng xách tay”.

Chỉ trong tháng 8 và 9/2021, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Cục Hải quan TP. Hà Nội phát hiện, bắt giữ nhiều lô hàng là test nhanh và các loại thuốc được cho là thuốc điều trị bệnh COVID-19, bao gồm: 1.470 hộp (17 viên/hộp); 78.800 viên; 490 lọ thuốc điều trị bệnh COVID xuất xứ Ấn Độ; 180 bộ test COVID-19 xuất xứ Trung Quốc; 220 hộp thuốc kháng Virus xuất xứ Nga.

Lường trước tình hình đó, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ động tham mưu, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng này. Chỉ trong tháng 8 và 9/2021, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Cục Hải quan TP. Hà Nội phát hiện, bắt giữ nhiều lô hàng là test nhanh và các loại thuốc được cho là thuốc điều trị bệnh COVID-19, bao gồm: 1.470 hộp (17 viên/hộp); 78.800 viên; 490 lọ thuốc điều trị bệnh COVID xuất xứ Ấn Độ; 180 bộ test COVID-19 xuất xứ Trung Quốc; 220 hộp thuốc kháng Virus xuất xứ Nga. 

Tiếp tục đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kiểm soát hải quan, thời gian tới, Cục Điều tra chống buôn lậu sẽ bám sát chỉ đạo của lãnh đạo các cấp; chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn sát với tình hình thực tế cho từng địa bàn.

Cục Điều tra chống buôn lậu cùng các đơn vị tiếp tục chủ động phối hợp, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo; tổ chức lực lượng đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cả bề rộng và chiều sâu về mối nguy hại của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả để mọi công dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ đối với hoạt động này.

Đặc biệt, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tham mưu Lãnh đạo Tổng cục Hải quan ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng trọng điểm, có nguy cơ vi phạm cao, nhất là hàng nhập khẩu phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết: Thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm, dược liệu, điện thoại di động, hàng may mặc...

Tin tưởng rằng, trên cơ sở những kết quả đạt được, với sự quyết tâm và các giải pháp đồng bộ, lực lượng hải quan nói chung và Cục Điều tra chống buôn lậu nói riêng sẽ tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bảo đảm an ninh kinh tế, ổn định môi trường kinh doanh, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(*) Trần Huyền/Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1+2 - Tháng 01/2022