Chống lãng phí không thể chỉ bằng kêu gọi

Theo Thời báo Ngân hàng

Các đại biểu cho rằng, để chống được lãng phí, thì ngay từ khi lập quy hoạch các dự án đầu tư, phải có tầm nhìn, phù hợp với quy hoạch chung, đảm bảo an ninh, quốc phòng, tránh tiêu cực lợi ích nhóm trong việc lập quy hoạch. Bên cạnh đó, cần thực hành tiết kiệm trong thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình.

Chống lãng phí không thể chỉ bằng kêu gọi
Thực hành tiết kiệm NSNN sẽ đóng góp to lớn vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay. Nguồn: Internet

Những con số đáng chú ý!

Tiếp theo chương trình của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, ngày 6/6, các đại biểu đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Thực hành tiết kiệm và Chống lãng phí (sửa đổi). Một ngày trước đó, Chính phủ đã trình dự án Luật này tại hội trường Quốc hội với hàng loạt thống kê về tình trạng sử dụng không hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) được giao làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN.

Chẳng hạn, từ năm 2006 - 2010, các đơn vị ngành Tài chính thực hiện 32.933 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào công tác điều hành, quản lý và sử dụng kinh phí NSNN tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỷ đồng, trong đó: thu hồi nộp NSNN 15.037 tỷ đồng; xử phạt hành chính 1.037 tỷ đồng; xử lý tài chính khác  2.398  tỷ  đồng.

Từ năm 2006 đến tháng 7/2012, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát và phát hiện trên 219.000 khoản chi của hơn 96.443 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết, đã từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng 2.086 tỷ đồng.

Báo cáo giải trình của Chính phủ cũng chỉ rõ việc quản lý và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong những năm qua còn nhiều hạn chế, yếu kém, thất thoát, lãng phí xảy ra ở hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.

Tổng hợp từ báo cáo kiểm toán năm 2011 cho thấy, năm 2010, cả nước có 3.386 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,78% số dự án thực hiện trong kỳ; số dự án phải điều chỉnh chiếm 15,14% (5.239/34.607); số dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư là 221 dự án, chiếm 0,63% (vi phạm về thủ tục đầu tư 112 dự án, vi phạm về quản lý chất lượng 109 dự án)…

Lo thiếu chế tài xử lý

Thảo luận ở tổ, đa số các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã nêu bật được quy định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, các tồn tại hạn chế, các vi phạm chống lãng phí khi quản lý tài sản NSNN, không chấp hành Luật, dẫn tới đầu tư dàn trải, khiến phát sinh ngân sách đầu tư vẫn diễn ra. Theo ông Xuyên, có công trình phát sinh ngân sách gấp 4-5 lần so với dự toán ban đầu, đặc biệt là công trình giao thông. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới nợ đọng xây dựng cơ bản hiện nay còn nhiều.

Các đại biểu cho rằng, để chống được lãng phí, thì ngay từ khi lập quy hoạch các dự án đầu tư, phải có tầm nhìn, phù hợp với quy hoạch chung, đảm bảo an ninh, quốc phòng, tránh tiêu cực lợi ích nhóm trong việc lập quy hoạch. Bên cạnh đó, cần thực hành tiết kiệm trong thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình.

Một nội dung cũng đang được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra khi bàn thảo là vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân. Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, hiện nay người dân tiêu dùng, tổ chức ma chay, cưới xin thiếu tiết kiệm vẫn nhiều. Trong khi Luật chưa đưa ra chế tài cụ thể, mà chỉ hướng dẫn bằng các văn bản dưới luật.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa – Vũng Tàu) băn khoăn về tính khả thi của Luật, bởi cho dù Luật đã sửa đổi, nhưng quy định vẫn khá chung chung, chưa cụ thể rõ ràng. Chẳng hạn, Khoản 1, Điều 57 quy định: Nhà nước khuyến khích tổ chức và cá nhân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng để dành vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, và các hình thức đầu tư khác mà pháp luật không cấm. Theo bà Ngân, những quy đinh như vậy chỉ mang tính kêu gọi, như lời hiệu triệu tiết kiệm, trong khi cơ chế kiểm soát, chế tài chưa có sẽ khó áp dụng.

Một số đại biểu cho rằng, cần phải sửa tên gọi của dự thảo Luật là Luật chống lãng phí thực hành tiết kiệm. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, vì chống lãng phí là trọng tâm nên Luật này có thể thay đổi tên. Và thực tế thời gian qua, vấn đề lãng phí gây nhức nhối trong xã hội nhiều hơn.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) cho biết, để đảm bảo tín khả thi của Luật cần thêm điều khoản quy định khuyến khích áp dụng công nghệ vào quản lý tiết kiệm. Chẳng hạn, hiện nay một số cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, nhân viên bằng thẻ từ. Khi ra vào cơ quan phải quẹt thẻ, khi đó sẽ biết mấy giờ nhân viên đến cơ quan, mấy giờ rời cơ quan.