“Chóng mặt” với phụ tùng ô tô, xe máy giả
Không chỉ làm giả phụ tùng ô tô, xe máy, nhiều đối tượng còn sản xuất, kinh doanh luôn cả chiếc xe máy giả, với giá thành thấp hơn rất nhiều so với hàng thật.
Phụ tùng ô tô, xe máy giả tràn lan trên thị trường
Hiện nay, xe máy là loại hình phương tiện di chuyển phổ biến nhất tại Việt Nam. Mỗi khi bị hư hỏng, cần thay thế phụ tùng, thiết bị...nhiều người đều đặt niềm tin tuyệt đối vào những lời giới thiệu, tư vấn của các chủ cửa hàng kinh doanh hay sửa chữa xe máy. Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng giới thiệu, kinh doanh hàng chính hãng.
Tại cửa hàng sửa chữa, kinh doanh phụ tùng xe máy trên đường Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội), nếu như má phanh chính hãng đang được bán với giá 190.000 đồng thì tại đây chỉ có giá 100.000 đồng. Chỉ nhìn qua người mua không thể phân biệt được đâu là đồ thật, đâu là hàng giả bởi hàng giả được đóng tem mác y hệt, chỉ khác ở một chi tiết rất nhỏ mà ít người để ý đó là không có tem phản quang chống hàng giả.
Nghiêm trọng hơn, không chỉ giả phụ tùng, nhiều đối tượng còn sản xuất giả luôn cả chiếc xe máy đã được Honda Việt Nam đăng ký sở hữu trí tuệ. Chiếc xe máy giả chỉ có giá hơn chục triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với hàng chính hãng.
Mới đây, trong các ngày từ 17 đến 19/10, Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã kiểm tra và xử phạt 5 cơ sở kinh doanh phụ tùng xe gắn máy đang trưng bày, kinh doanh tổng 316 sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu Honda, Yamaha. Quá trình thẩm tra, xác minh Đội Quản lý thị trường số 1 xác định toàn bộ số hàng hoá trên là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và tem giả mạo nhãn hiệu. Ngày 26/10/2023, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 hộ kinh doanh và buộc tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và tem xem máy gắn nhãn hiệu giả mạo.
Trước đó, tại Đắk Nông, Gia Lai hay các tỉnh, thành phía Nam như Bến Tre, Tiền Giang... lực lượng Quản lý thị trường cũng liên tiếp kiểm tra, phát hiện hàng trăm vụ việc vi phạm liên quan đến việc kinh doanh hàng hóa là phụ tùng xe máy, ô tô có dấu hiệu giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tại Hà Nội, vào tháng 4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ và phát triển Hoàng Tiến về tội buôn bán hàng giả. Theo đó, doanh nghiệp này đã bày bán gần 5.300 sản phẩm phụ tùng ô tô gồm dây curoa, cài ba đờ sốc, lọc gió động cơ, má phanh... mang nhãn hiệu Honda. Toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu “Honda” đã được bảo hộ tại Việt Nam. Đại diện chủ sở hữu quyền của Honda tại Việt Nam cho biết, toàn bộ số hàng hóa thu giữ tại công ty này là giả mạo nhãn hiệu của Honda.
Theo đại diện Công ty Honda Việt Nam, các bộ phận đảm bảo sự an toàn cơ bản cho người sử dụng phương tiện như nhông, xích xe máy, gương chiếu hậu, nan hoa, quả xi nhan, má phanh cơ, đĩa, khóa điện, cuộn nổ, phanh tay, bộ lọc gió... thường bị làm giả nhiều nhất. Hàng vi phạm chủ yếu được sản xuất bằng công nghệ thủ công với chất liệu không đạt chuẩn, nhiều loại pha trộn hợp chất kém chất lượng nên độ chính xác và tuổi thọ kém, nhanh hỏng và không an toàn cho người sử dụng.
Không chỉ người dân, các nhãn hàng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhãn hàng càng phổ biến, càng nổi tiếng thì càng bị làm giả nhiều, từ máy tính, điện thoại, xe máy cho đến hàng tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm.
Chung tay đẩy lùi vấn nạn hàng giả
Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho thấy, có đến 55/63 Cục Quản lý thị trường tại các tỉnh thành đã kiểm tra, xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi buôn bán, lắp ráp nhiều phụ tùng, linh kiện giả, giả mạo nhãn hiệu “Honda”, “Yamaha” hay “Sym” đang được bảo hộ tại Việt Nam. Các sản phẩm được làm giả nhiều nhất đó là: Bố thắng xe, lá côn xe, ổ khóa xe, ốp bô xe, yên xe, nắp chụp bugi, nắp chụp lốc máy, lượt nhớt, mặt nạ, tấm che bô, đèn pha...
Ông Bùi Văn Định, Trưởng phòng Thực thi sở hữu trí tuệ của Công ty Honda Việt Nam - cũng cho biết, doanh nghiệp đã thường xuyên, liên tục phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng để ngăn chặn các sản phẩm giả mạo phụ tùng xe máy của Honda.
“Dù đã vào cuộc quyết liệt, nhưng mỗi năm, qua công tác phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Honda Việt Nam vẫn phát hiện từ 200-300 vụ với số lượng khoảng 100.000 phụ tùng làm giả” - ông Bùi Văn Định thông tin và cho biết thêm, những sản phẩm giả thường được các đối tượng trà trộn vào các cửa hàng, tiệm sửa xe máy để kinh doanh, thay lắp cho người tiêu dùng.
Đại diện Công ty luật THBLAW cho biết, vấn nạn phụ tùng ô tô, xe máy giả ảnh hưởng rất nhiều đến doanh số và uy tín của các doanh nghiệp, đặc biệt là về doanh số, khi lượng hàng giả tràn lan trên thị trường thì công ty mất lượng doanh thu đáng kể. Người tiêu dùng thay vì mua hàng chính hãng lại mua phải hàng không chính hãng trên thị trường...
Do vậy, vị đại diện này khuyến cáo, các doanh nghiệp cần triển khai nhiều biện pháp để bảo hộ nhãn hàng, giảm thiểu hiện tượng hàng giả bằng cách liên tục thay đổi kiểu dáng mẫu mã. Quan trọng nhất là doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình.
Về phía cơ quan chức năng, trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp công nghệ để giúp người tiêu dùng mua, sử dụng hàng chính hãng, chất lượng.