Chống trốn thuế: Cuộc cách mạng về thu thập dữ liệu
(Tài chính) Phá bỏ "luật im lặng" trong lĩnh vực ngân hàng là một bước đột phá, nhưng thế giới vẫn còn nhiều điều phải làm trong cuộc chiến chống thuế.
Tuần trước, cuộc chiến chống trốn thuế dường như đã bước sang trang mới khi 47 quốc gia (bao gồm cả những nước thuộc nhóm G20 và một số thiên đường thuế) nhất trí thông qua quy định về chia sẻ thông tin.
Theo quy định hiện hành, các nước sẽ phải nộp đơn yêu cầu nước khác cung cấp dữ liệu về những giao dịch nghi vấn. Kể cả những yêu cầu hết sức hợp lý cũng bị từ chối. Còn theo quy định mới, mỗi năm 1 lần, các nước sẽ phải tự động trao đổi thông tin. Các thông tin bao gồm bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, thu nhập từ lãi suất, cổ tức… Đây là các kênh thông tin hữu ích cho việc đánh thuế vào khoản thặng dư vốn.
Có vẻ như một số quốc gia sẽ thành lập các thỏa thuận đặc biệt (đi kèm với hình phạt giảm nhẹ) nhằm khuyến khích người nộp thuế chưa tuân thủ luật pháp mang tiền về quê nhà thay vì bị bắt khi cơ chế mới bắt đầu hoạt động (có thể vào năm 2007). Quy định mới về chia sẻ thông tin cũng gia tăng áp lực lên các ngân hàng, buộc họ phải xác định đâu là người chủ thực sự của các quỹ tín thác và “công ty vỏ” (shell company) – những tổ chức thường được sử dụng để trốn thuế.
Chất xúc tác cho thỏa thuận chia sẻ thông tin là đạo luật FATCA của Mỹ. Được thông qua năm 2010, đạo luật này đưa ra những hình phạt nặng nề cho các công ty tài chính nước ngoài để lọt lưới các khách hàng Mỹ trốn thuế. Khi Mỹ bắt đầu có động thái, các nước lớn khác cũng sẽ làm tương tự.
Thụy Sĩ là đất nước thu hút được nhiều chú ý khi thỏa thuận chia sẻ thông tin được công bố, bởi các ngân hàng Thụy Sĩ chính là trung tâm của các scandal dẫn đến sự ra đời của FATCA. Trung tâm quản lý tài sản hải ngoại nổi tiếng nhất thế giới được xây dựng trên tính bảo mật của các ngân hàng. Giờ đây, áp lực từ quốc tế đang đè nặng lên các ngân hàng Thụy Sĩ. Đối với Thụy Sĩ, chấp nhận trao đổi thông tin khách hàng cũng giống như người Mỹ chấp nhận từ bỏ sở hữu súng. Điều tương tự cũng đúng với Singapore – quốc đảo được mệnh danh là “Thụy Sĩ của phương Đông”.
Thỏa thuận chia sẻ thông tin vẫn cần phải vượt qua nhiều thách thức để có thể đạt hiệu quả cao nhất. Các hệ thống thu thập thông tin phải được nâng cấp và đồng bộ. Kể cả những hệ thống thuế hiện đại và tinh vi nhất cũng sẽ gặp khó khăn khi xử lý lượng lớn thông tin.
Bên cạnh đó, cần phát hiện các thiên đường thuế khác. Các “vệ tinh” ở nước ngoài của Anh (như Jersey và đảo Cayman) chắc chắn sẽ nằm trong danh sách, nhưng sẽ khó khăn hơn để nắm bắt hoạt động trốn thuế ở Panama, Dubai hay những thiên đường thuế ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Dẫu vậy, thỏa thuận vừa qua vẫn được nhìn nhận là một bước tiến lớn. Trao đổi thông tin trên phạm vi toàn cầu – điều mà không ai có thể nghĩ tới cách đây 1 thập kỷ - đang ở trong tầm tay. Những kẻ trốn thuế luôn luôn có nhiều mưu mẹo tinh vi, nhưng lựa chọn của họ giờ đây đang bị thu hẹp.