Chủ động đổi mới quy trình kế toán trong bối cảnh kinh tế số


CMCN 4.0 nói riêng và xu thế kinh tế số nói chung đã, đang tác động làm thay đổi cách tiếp cận về khoa học và thực tiễn nghề nghiệp kế toán trên phạm vi toàn cầu và ngày càng rõ nét ở Việt Nam. Để tận dụng được lợi thế từ hội nhập mang lại, đồng thời thức đẩy việc đổi mới quy trình kế toán trong thời đại công nghệ số, Việt Nam cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Công nghệ số và những lợi thế đối với công tác kế toán

Với sự tác động của kinh tế số nói chung và công nghệ số nói riêng, công tác kế toán tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sẽ có khá nhiều thay đổi. Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, công tác lưu trữ chứng từ kế toán chủ yếu dưới dạng bản giấy nhưng trong thời gian tới hoạt động này sẽ được số hóa hoàn toàn; hóa đơn giấy sẽ thay thế bằng hóa đơn điện tử...

Một khảo sát mới đây cho thấy, sự đột phá kỹ thuật số trong kế toán sẽ tạo ra những xu hướng mới. Cụ thể, khoảng 66% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ thay thế những dịch vụ mà kế toán viên hiện đang thực hiện bằng các dịch vụ đám mây, 50% DNNVV sẽ thay nhân viên kế toán nếu họ không thích ứng với công nghệ đám mây. Những công việc dễ được tự động hóa và thay thế bằng phần mềm như: Nhập bút toán bằng tay, ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính cuối năm, lập báo cáo hoạt động kinh doanh, tiền lương, phân tích tài chính… Như vậy, thay vì thuê các kế toán viên đảm nhiệm các nhiệm vụ kế toán như hiện nay, trong thời gian tới, hoạt động này có thể sẽ được tự động bằng công nghệ hoặc bằng các phần mềm thông tin.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong thời gian tới, với sự bùng nổ của công nghệ số, lĩnh vực kế toán tiếp tục được tin học hóa một cách sâu sắc. Từ đó, kéo theo quy trình kế toán cũng có sự thay đổi căn bản khi hầu hết các phần hành kế toán đều ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả hoạt động ghi sổ, lập báo cáo tài chính. Những thành tựu của CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... cho phép bộ phận kế toán xử lý nhanh và đơn giản các nghiệp vụ thuộc các phần hành kế toán cũng như cho phép truy cập nhanh vào các dữ liệu trong một thời gian ngắn với tính bảo mật cao nhất.

Hiện nay, ở Việt Nam, các chứng từ kế toán vẫn chủ yếu bằng bản cứng; công tác lưu trữ chủ yếu tại thông qua các dụng cụ thô sơ, trong khi đó chưa chú trọng đến việc lưu trữ điện tử... Tuy nhiên, những thành tựu của CMCN 4.0 như công nghệ Blockchain sẽ cho phép sử dụng mật mã và các giao thức tin nhắn phân tán để tạo lập các thông tin kế toán chi tiết theo yêu cầu kế toán. Thay vì hệ thống ghi sổ kép, công nghệ này cung cấp hệ thống ghi sổ đa chiều, với công nghệ sổ cái phân phối mới.

Đồng bộ giải pháp đổi mới quy trình kế toán trong thời đại công nghệ số

Để tận dụng được lợi thế từ hội nhập mang lại đối với lĩnh vực kế toán, trong thời gian tới, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện việc đổi mới quy trình kế toán trong thời đại công nghệ số,.

Theo đó, đối với cơ quan quản lý cần tiếp tục nâng cao nhận thức gắn với tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hoạt động tài chính, kế toán trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh khởi phát của cuộc CMCN 4.0; Cần có sự nhận thức đầy đủ và có những biện pháp chủ động để hệ thống tài chính, kế toán vận hành có hiệu quả, hội tụ và hài hòa giữa các quốc gia, tranh thủ các lợi ích và hạn chế những tác động bất lợi từ CMCN 4.0.

Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành trong lĩnh vực kế toán phù hợp xu thế công nghệ số. Hiện nay, khung khổ pháp lý liên quan đến lĩnh vực kế toán của Việt Nam cơ bản khá đầy đủ, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực ngành Tài chính, đặc biệt là lĩnh vực kế toán gắn với đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; tăng khả năng ứng dụng CNTT để đáp ứng được sự thay đổi của lĩnh vực kế toán và các quy trình kế toán mới xuất hiện trong nền kinh tế số. Hiện nay, trình độ của cán bộ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kế toán vẫn còn hạn chế. Do vậy, để đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kế toán trong nền kinh tế số, cần thường xuyên xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn về kiến thức chuyên môn, xu thế phát triển mới trong và ngoài nước đối với đội ngũ này.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần chú trọng đổi mới và thiết lập mới các quy trình kế toán, từ việc thu thập xử lý và nhập dữ liệu chứng từ kế toán đến quá trình xử lý và kết xuất thông tin; Nâng cao tính hữu ích của thông tin kế toán thông qua việc áp dụng CNTT trong việc phân tích, đánh giá thông tin kế toán; Tạo điều kiện thuận lợi cho kế toán viên, kiểm toán viên khai thác và sử dụng nguồn dữ liệu kế toán một cách nhanh chóng và có hiệu quả...

Đặc biệt là, quan tâm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực kế toán và coi đây là nhiệm vụ bắt buộc phải làm vì dù công nghệ phát triển đến chừng nào thì vai trò chủ đạo vẫn là nhân tố con người. Do vậy, cần gắn đào tạo nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao với ứng dụng công nghệ cao; Nâng cao trình độ về CNTT và nắm bắt các công nghệ mới, đặc biệt là cần tìm hiểu kỹ lưỡng về công nghệ Blockchain và những ứng dụng của nó mang lại trong công tác kế toán, kiểm toán...