Chủ động đón sóng FDI từ Trung Quốc
Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm tới các ngành công nghiệp sản xuất thông minh tại Việt Nam. Vậy, làm gì để Việt Nam đón được làn sóng đầu tư này, từ đó trở thành “công xưởng” sản xuất mới của thế giới như cách mà Trung Quốc đã làm được.
Ông Lương Dương Hồng (Liang Yang Hong) - Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Trung Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm thương mại điện tử quốc tế Trung Việt Trung (Bắc Ninh-Việt Nam) đã ở Việt Nam gần 20 năm qua. Bản thân ông chứng kiến quá trình “chuyển mình” của Bắc Ninh từ vùng đất hoang vu tới thành phố công nghiệp như hiện nay.
Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tới Việt Nam
“Tôi đã nhìn thấy Việt Nam là một quốc gia tiềm năng để phát triển thị trường, với rất nhiều FTA thế hệ mới đã được ký kết – đây là tấm vé để đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tới nhiều nhiều thị trường”, ông Hồng nói bên lề Diễn đàn Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 mới đây.
Ông Lương Dương Hồng đánh giá, làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc của các tập đoàn lớn đang ồ ạt hơn, kéo theo đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn đó cũng chuyển theo. Việt Nam là một lựa chọn tốt.
Để đón làn sóng thông minh vào Việt Nam, công ty của ông Hồng đã đầu tư một cụm công nghiệp ở Bắc Ninh, tiến tới phát triển mở rộng ra lĩnh vực điện tử.
Trong khi đó, ông Kenneth Peng - Giám đốc kinh doanh dự án Trung Quốc của Midea Việt Nam tin rằng, giống như Trung Quốc, Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và trở thành một quốc gia đáp ứng được yêu cầu về chuỗi nhà máy thông minh.
“Tôi nghĩ Việt Nam sẽ không mất nhiều thời gian như Trung Quốc. Chắc chắn Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn. Với tốc độ như hiện tại, tôi tin rằng không quá 20 năm, có thể chỉ 5-10 năm để Việt Nam đạt được trạng thái sản xuất thông minh”, ông Kenneth Peng nói.
Hiện tại, Midea có 7 nhà máy ở nước ngoài, cung cấp tất cả sản phẩm về hàng tiêu dùng điện tử. Trong số đó, có nhà máy sản xuất robot hút bụi ở Bình Dương. “Tại Việt Nam, chúng tôi rất kỳ vọng sẽ phát triển để chiếm lĩnh thị trường điện tử tiêu dùng, trở thành số một tại đây”, ông Kenneth Peng nói.
Cùng nhận định, ông Trương Thiệu Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiết bị hiển thị Tomko (Trung Quốc) đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Đông, cho biết hiện doanh nghiệp (DN) đang đầu tư một nhà máy lắp ráp linh kiện tại Việt Nam, đồng thời đang nghiên cứu đầu tư vào một số lĩnh vực logistics, chăm sóc sức khoẻ.
Ông Cường kể lại 5 năm trước đây, ông đến Việt Nam du lịch, trong chuyến đi đã nhận thấy Việt Nam có nhiều tiềm năng, môi trường đầu tư tốt từ đó có ý định tới Việt Nam và mở một chi nhánh ở Việt Nam.
“Điểm thuận lợi khi đầu tư vào thị trường Việt Nam đó là chính trị ổn định, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện. Việt Nam cũng là điểm đến được nhiều DN Trung Quốc quan tâm đầu tư. Tomko thấy rõ cơ hội ở thị trường Việt Nam”, ông Cường nói.
Cơ hội vào chuỗi cung ứng của nhà đầu tư Trung Quốc
Tuy nhiên, ông Cường cũng nhìn nhận, chuỗi sản xuất của Việt Nam hiện nay chưa thực sự hoàn thiện. Ví dụ, tai nghe Apple sản xuất ở Trung Quốc có hệ sinh thái theo chuỗi hỗ trợ từ thiết kế, nguyên vật liệu, làm khuôn và sản xuất… Thế nên từ khi có ý tưởng ban đầu đến khi ra sản phẩm rất nhanh, chớp được cơ hội thị trường, đẩy nhanh tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường nên giá trị của sản phẩm lớn hơn. Trong khi đó, “Việt Nam dựa vào nhập khẩu nguyên vật liệu nhiều nên giá thành đội lên rất cao so với Trung Quốc”, ông Cường thẳng thắn nói.
Tuy vậy, ông Cường cũng nhìn nhận, làm chuỗi của Việt Nam có nhiều lợi thế như đất rộng thẳng “cánh cò bay”, dân số đông, có nhiều cơ hội thu hút dòng sản xuất thông minh, nguồn tài nguyên đa dạng….
Để hoàn thiện chuỗi cung ứng ở Việt Nam, ông Trương Thiệu Cường cho rằng đây là xu thế tất yếu. Chính phủ Việt Nam nên có nhiều chính sách để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào cùng hoàn thiện chuỗi cung ứng đó. Bên cạnh đó, bồi dưỡng nhân tài để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. “Tomko rất khó khăn tìm được đủ nguồn nhân lực có đào tạo, điều này cũng ảnh hưởng đến việc hoàn thiện chuỗi cung ứng”, ông Cường nói.
Theo ông Châu Hoành - Đại diện Công ty TNHH Tư vấn DH Việt Nam – một doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc: Việc chưa hoàn thiện chuỗi sản xuất khiến Việt Nam mất đi khá nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi nếu chuỗi sản xuất đã hoàn thiện, nhà đầu tư đến Việt Nam họ sẽ sử dụng linh phụ kiện của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, còn nếu chuỗi sản xuất chưa hoàn thiện, họ sẽ phải nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ nước ngoài, không chỉ gia tăng chi phí sản xuất của DN mà còn không kích thích được sản xuất trong nước phát triển.
Về vấn đề này, ông Lưu Văn Đại - Giám đốc công ty Cổ phần Metal Heat Việt Nam (chuyên xử lý nhiệt các sản phẩm linh kiện ô tô, xe máy và chi tiết máy), băn khoăn: Làm thế nào để doanh nghiệp tham gia vào được chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn? Đây là một câu hỏi, một bài toán mà rất nhiều DN cơ khí đang đau đầu để giải bài toán này”.
Sản phẩm vào chuỗi cung ứng phải đáp ứng được ít nhất 2 tiêu chí: chất lượng và giá thành. Điều này đòi hỏi DN phải đưa ra công nghệ, tìm được phương thức sản xuất tốt để giảm chi phí sản xuất. Công nghệ tiên tiến, tối ưu sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng tốt và giảm giá thành sản phẩm.
“Tiếp cận công nghệ tiên tiến trên thế giới hay đi học công nghệ tiên tiến không phải chuyện khó của DN Việt Nam. Vấn đề đau đầu nhất mà hầu hết DN cơ khí Việt Nam mắc phải là nhu cầu về vốn”, ông Đại cho biết. Để đầu tư công nghệ mới cần rất nhiều tiền, một DN nhỏ thì rất khó để đủ tiềm lực tài chính đầu tư những công nghệ này, những DN startup thì càng khó khăn hơn.
“Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách về việc hỗ trợ vốn cho DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, chính sách hay nhưng con đường tiếp cận rất khó, rất nhiều rào cản. Để có được sự hỗ trợ vốn này thì DN phải dành rất nhiều thời gian để theo đuổi, ảnh hưởng tới cơ hội”, ông Đại nói.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ các DN rất cần thiết. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ thuế cho các DN nhỏ và vừa. Theo đó, ông Đại đề nghị Nhà nước nghiên cứu thực hiện chính sách ưu đãi hơn nữa đối với các DN cơ khí như: miễn giảm thuế, miễn giảm lãi suất vay vốn và đơn giản hóa thủ tục vay vốn từ các quỹ hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho DN nâng cao sức cạnh tranh để tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Theo Bộ KH&ĐT, thời gian qua đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tại Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng. Các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ cao đã chiếm ưu thế. Tính đến tháng 3/2024, các nhà đầu tư Trung Quốc có 4.418 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD, đứng thứ 6/145 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.