Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội:

Chủ động, hiệu quả trong triển khai các chính sách Bảo hiểm xã hội

PV.

Tại Phiên họp mở rộng thẩm tra báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, tổ chức ngày 13/8/2021, Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao những kết quả ngành Bảo hiểm Xã hội đạt được trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh (bên trái) thay mặt toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH Việt Nam trao 2 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh (bên trái) thay mặt toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH Việt Nam trao 2 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ghi nhận nhiều kết quả tích cực

Theo Báo cáo, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nói chung, ảnh hưởng đến triển khai thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) nói riêng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2020 vẫn tiếp tục giữ được đà tăng. Đặc biệt, BHXH tự nguyện đạt 1,1 triệu người, chiếm hơn 2% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH.

Góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng trên, theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, “phải ghi nhận những chuyển biến tích cực của công tác tuyên truyền”.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh: Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHTN có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Hình thức tuyên truyền được đổi mới, tăng cường các hoạt động tuyên truyền theo hướng đối thoại chính sách với người lao động và người sử dụng lao động, tọa đàm trực tuyến, trả lời qua cổng thông tin điện tử hoặc hòm thư công vụ để tăng hiệu quả tương tác giữa cơ quan nhà nước và đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách.

Bên cạnh đó, là sự vào cuộc mạnh mẽ của BHXH Việt Namm chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thực hiện đúng theo lộ trình thay thế sổ BHXH bằng thẻ BHXH thông qua việc triển khai ứng dụng VssID; Chỉ đạo cơ quan BHXH đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số hạn chế và tồn đọng. Số người tham gia BHXH mặc dù có tăng nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019…

Nguyên nhân của vấn đề trên là do số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong năm 2020.

Cùng với đó là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng BHXH tăng cao. Nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ…

Đánh giá cao về kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam và một số cơ quan có liên quan đã rất chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành các văn bản kịp thời. Điều này đã mang lại hiệu quả tích cực, vừa để thuận tiện trong quản lý điều hành, vừa để điều chỉnh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận với các chính sách BHXH, BHTN cũng như hỗ trợ cho người sử dụng lao động, người lao động, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của đại dịch COVID-19.

Mặt khác, Thường trực Ủy ban Xã hội và các đại biểu cũng đánh giá cao kết quả hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm tra của BHXH Việt Nam. Qua công tác tanh tra, kiểm tra đã phát hiện được một số vi phạm.

Riêng trong tháng 7/2021, BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết cho 80.021 người hưởng BHTN, trong đó, có 79.087 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, 934 người hưởng chế độ học nghề. Ngoài ra, còn có hơn 8,3 triệu lượt người đi khám chữa bệnh BHYT và được quỹ BHYT chi phí lên tới 6.423 tỷ đồng.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đánh giá về cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin của ngành BHXH. Theo đó, BHXH Việt Nam đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành. Năm 2020, toàn ngành BHXH đã tiếp nhận giải quyết trên 85 triệu hồ sơ giao dịch điện tử; phối hợp với các ngân hàng trong kết nối thanh toán điện tử song phương; thực hiện tốt việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành địa phương trong việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH. Đặc biệt, ứng dụng VssID-BHXH số trên thiết bị di động cho người dân đã hiện thực hóa nhiệm vụ xây dựng thẻ BHYT điện tử và sổ BHXH điện tử theo quy định của Luật BHXH và Luật BHYT; góp phần công khai, minh bạch và hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT.

Những tháng đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế- xã hội, đời sống người lao động và người sử dụng lao động gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện giãn cách xã hội. Trước bối cảnh này, Chính phủ đã ban hành quyết sách quan trọng nhằm  hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và đảm bảo an toàn xã hội. Trong các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thì chính sách liên quan đến BHXH vẫn là một trong những chính sách chủ lực.

Xác định rõ nhiệm vụ, vai trò quan trọng của mình, BHXH Việt Nam đã vào cuộc quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đến với người lao động, người sử dụng lao động nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Tính đến hết tháng 7/2021, toàn ngành BHXH đã thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) cho trên 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu người lao động, với số tiền điều chỉnh giảm khoảng 4.322 tỷ đồng; Bộ phận "một cửa" BHXH các địa phương đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 120 đơn vị, với 9.533 người lao đọng tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, với số tiền 61,53 tỷ đồng tại 25 tỉnh, thành phố; Xác nhận danh sách cho 175.804  người lao động của 10.858 đơn vị để hưởng các chính sách tại 55 tỉnh, thành phố.

Trong đó: 116.160 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 7.959 người lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người; 16.764 người lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để vay vốn trả lương ngừng việc; 25.877 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động); 9.044 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú)...

BHXH Việt Nam đã kịp thời cung cấp 6 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công của Ngành; kết nối, tích hợp, cung cấp 5 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hoàn thiện, nâng cấp, bổ sung các tính năng, tiện ích trên ứng dụng VssID. Tính đến 31/7/2021, toàn quốc đã có gần 17 triệu lượt người tải, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID, đạt 67,2% so với kế hoạch…

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Thường trực Ủy ban Xã hội chỉ rõ, năm 2020 và những tháng đầu 2021, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được ban hành và bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách của Luật. Tuy nhiên, một số nội dung đã được Ủy ban Xã hội ưchỉ ra trong nhiều năm nhưng do đây là những nội dung khó, dẫn đến tình trạng Chính phủ chưa ban hành được văn bản hướng dẫn. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan có liên quan cần quan tâm vấn đề này.

Một số đại biểu cho rằng, tỷ lệ người hưởng BHXH một lần so với tổng số người tham gia BHXH vẫn chỉ dao động ở mức khoảng 5% trong các năm qua nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phát triển đối tượng. Với tốc độ, tình hình phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và thực tế đời sống, thu nhập khó khăn như hiện nay, dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo. Do đó, đề nghị các cơ quan cần quan tâm theo dõi vấn đề này.

Tính đến 31/7/2021, toàn quốc đã có gần 17 triệu lượt người tải, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID, đạt 67,2% so với kế hoạch
Tính đến 31/7/2021, toàn quốc đã có gần 17 triệu lượt người tải, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID, đạt 67,2% so với kế hoạch

Tại Phiên họp, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất: Tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật BHXH tại Trung ương và địa phương. Đặc biệt là vấn đề về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; vấn đề về quản lý và sử dụng quỹ BHXH; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH cho toàn dân;

Cùng với đó là việc hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH; Sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật BHXH về các hình thức đầu tư để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo định hướng cải cách chính sách BHTN tại Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm đây thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động.