Chủ động hơn, quyết liệt hơn trong thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế

Theo TN/ Báo Đồng Tháp

Theo Ban Nghiên cứu các tổn thất về kinh tế trong năm 2020 và năm 2021, do giảm tăng trưởng trong năm 2021 và năm 2020. Nên tổn thất về kinh tế trong 2 năm 2020-2021 của tỉnh Đồng Tháp là tổn thất kép, ước tính là 6.409 tỷ đồng (nếu lấy tăng trưởng trong 2 năm 2020-2021 tương đương tăng trưởng năm 2019 là 6,30%).

Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Tổng hợp Wincommerce tìm hiểu các sản phẩm của doanh nghiệp Đồng Tháp. Ảnh: Mỹ Lý
Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Tổng hợp Wincommerce tìm hiểu các sản phẩm của doanh nghiệp Đồng Tháp. Ảnh: Mỹ Lý

Để đánh giá một cách đầy đủ, chính xác và khách quan về mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp, nhằm đề ra các chủ trương, giải pháp để làm giảm thiểu, khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống dân cư sau khi dịch bệnh được kiểm soát, UBND tỉnh đã thành lập Ban Nghiên cứu đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (Ban nghiên cứu). Tại cuộc họp, Ban Nghiên cứu đã báo cáo đánh giá tác động của dịch COVID-19 sau khi tổ chức thu thập thông tin, tổng hợp báo cáo của các sở ngành, địa phương, tổ chức khảo sát ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ dân cư kết hợp với số liệu thống kê kinh tế.

Theo Ban Nghiên cứu, các tổn thất về kinh tế trong năm 2020 và năm 2021, tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng khoảng 1/3 của 6 tháng đầu năm 2019 và cả năm 2020 chỉ đạt mức tăng 2,50%. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng GRDP có dấu hiệu hồi phục với mức tăng 4,44%, thế nhưng kết quả này nhanh chóng bị làn sóng COVID-19 lần 4 tác động gây ra sự sụt giảm tăng trưởng với mức tăng 6 tháng cuối năm 2021 ước tính là 0,27% và cả năm 2021 ước chỉ đạt 2,22%. Do giảm tăng trưởng trong năm 2021 và năm 2020 nên tổn thất về kinh tế trong 2 năm 2020-2021 của tỉnh là tổn thất kép, ước tính là 6.409 tỷ đồng (nếu lấy tăng trưởng trong 2 năm 2020-2021 tương đương tăng trưởng năm 2019 là 6,30%).

Các thành viên UBND tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo nhiều ngành, đơn vị liên quan đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của tỉnh trong thực hiện chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, tạo đà tăng trưởng cao cho các năm tiếp theo; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 và giai đoạn 2021 – 2025 lần lượt 7% và 7,5%; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ nhằm tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phục hồi sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo đó, đối tượng hỗ trợ bao gồm: người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế. Thời gian hỗ trợ, chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022-2023. Trường hợp kéo dài, theo quy định, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, dịch COVID-19 đã có tác động đến tất cả lĩnh vực của tỉnh, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, giảm thu nhập người lao động. Tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong phục hồi sản xuất; tập trung nhiều chinh sách hỗ trợ, tăng cường công tác an sinh xã hội...

Để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, các ngành, các địa phương cần chủ động hơn, quyết liệt hơn. Quốc hội, Chính phủ đã dành gói hỗ trợ lớn là điều kiện tốt để phục hồi và tạo đà tăng trưởng mới. Do đó, tỉnh phải tập trung đề ra các giải pháp tích hợp các chương trình, kế hoạch vào từng lĩnh vực để thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội. Đồng thời, các ngành, địa phương phải đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, xác định nhiệm vụ trọng điểm, khó khăn chỗ nào phải tìm giải pháp tháo gỡ ngay, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; tăng cường kiểm tra giám sát và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu…